Tỷ phú Nga: EU thỏa hiệp mua khí đốt Nga là điều không thể tránh khỏi

Quang Đăng - 28/11/2023 00:03 (GMT+7)

(VNF) - Theo tỷ phú hàng đầu nước Nga Oleg Deripaska, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải quay trở lại với nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga trong vòng một năm rưỡi.

Viết trên kênh Telegram của mình ngày 26/11, doanh nhân người Nga Oleg Deripaska cho rằng việc thiếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga hiện đang buộc các nhà lập pháp của EU phải đưa ra “quyết định đúng đắn duy nhất và thay đổi trọng tâm chính từ chuyển đổi xanh sang năng lượng hạt nhân”.

“Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình nhanh chóng, có nghĩa là EU cần phải chấm dứt xung đột Ukraine và đồng ý về việc cung cấp khí đốt với tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga”, ông Deripaska nhấn mạnh thêm.

Theo vị tỷ phú Nga, các điều khoản của thỏa thuận tiềm năng với Moscow sẽ không có lợi cho EU, vì khối này sẽ phải trả lại tài sản bị phong tỏa cho Ngân hàng trung ương Nga, bồi thường cho việc phá hủy đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) và trang trải các biện pháp trừng phạt liên quan đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Nga.

Tỷ phú Nga Oleg Deripaska.

Tỷ phú Deripaska, người sáng lập công ty nhôm lớn thứ hai thế giới - Rusal, cũng cho biết sự thay đổi sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng “mùa đông lạnh giá sẽ thúc đẩy EU phải sớm thỏa hiệp, trong khoảng một một năm rưỡi".

Theo vị tỷ phú Nga, năng lượng hạt nhân đã quay trở lại sau gần 20 năm tranh luận vô ích với cái gọi là “xanh”, đồng thời nói thêm rằng việc quay trở lại các nguồn nhiên liệu đáng tin cậy là điều không thể tránh khỏi.

Đối phó khủng hoảng khí đốt

Số liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu đầu tháng 11 cho thấy các khu vực dự trữ nhiên liệu của EU hiện đã đầy tới 99%, vượt mục tiêu 90% mà Brussels đưa ra trước đó.

Theo các chuyên gia, điều này giúp EU phòng ngừa những cú sốc năng lượng tiềm tàng, dù vậy vẫn không thể đảm bảo hoàn toàn rằng họ có đủ năng lượng cần thiết cho mùa Đông sắp tới.

Châu Âu đang đối mặt với một loạt bất lợi về nguồn cung khí đốt trong mùa đông này.

Năm ngoái, EU tránh được kịch bản khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng vào mùa Đông nhờ thời tiết ấm áp, bên cạnh nỗ lực tiết kiệm và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Bước sang năm nay, dù hiện giá khí đốt đã giảm tới 90% so với mức đỉnh hồi năm ngoái và dự trữ khí đốt thời điểm này vẫn dồi dào, song giới chức châu Âu nhận định, thực tế châu lục này đang đối mặt với một loạt bất lợi về nguồn cung khí đốt trong mùa đông này.

Theo Oilprice, việc bắt đầu mùa tiêu thụ cao điểm ở EU trong bối cảnh nhu cầu tăng từ châu Á có thể đẩy giá khí đốt trên lục địa này tăng, mặc dù nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào trên toàn cầu.

Các nhà quan sát cho rằng với nhu cầu tăng đột biến, rủi ro tăng giá khí đốt vẫn còn đó do những thách thức về vận chuyển và rủi ro gián đoạn ở Trung Đông thời gian gần đây.

Xem thêm >> Chiến sự càng kéo dài, kinh tế Nga càng lộ rõ bất ổn

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác