'Vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của TP.HCM có chiều hướng chững lại'

Kỳ Thư - 12/06/2024 16:36 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả. Vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết thời gian qua, TP. HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của Thành phố chậm đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước, có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây; Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội ngành công nghiệp lạc hậu, dựa chủ yếu vào các ngành thâm hụt lao động như điện tử (28%), da giầy (25%). Dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải (44%); các ngành dịch vụ cao cấp mang tính chiến lược như tài chính, y tế, giáo dục, du lịch… chưa đóng vai trò chủ đạo.

Ngoài ra, tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập; hạ tầng chưa đồng bộ; quỹ đất phát triển công nghiệp ít, không gian phát triển các khu công nghiệp chưa phù hợp, dẫn tới việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn gặp khó khăn.

Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế. Cần có cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng phù hợp để duy trì lợi thế cửa ngõ quốc tế của TP.HCM khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Kết cấu hạ tầng đô thị bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số; hạ tầng khung đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm chậm được phát triển, dẫn đến chất lượng sống của người dân đô thị chưa cao. Vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng cũng lưu ý, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Hồ sơ Quy hoạch TP.HCM gửi xin ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và trình Hội đồng thẩm định tại phiên họp hôm nay đã thể hiện đầy đủ các định hướng lớn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ tại các Nghị quyết; đã cụ thể hóa mục tiêu, định hướng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn cơ bản đảm bảo tính thống nhất.

Vì vậy, ông Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện cho ý kiến về nội dung Quy hoạch TP.HCM, trong đó tập trung xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thành phố trong kỳ quy hoạch, giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị, các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường, điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực…

Người giàu tăng nhanh, Hà Nội và TP.HCM vào top thành phố tăng trưởng toàn cầu

Người giàu tăng nhanh, Hà Nội và TP.HCM vào top thành phố tăng trưởng toàn cầu

Tiêu điểm
(VNF) - Việt Nam đặc biệt có 2 thành phố góp mặt vào top 15 thành phố tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, trong đó TP. HCM đứng thứ 2 và Hà Nội đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng.
Cùng chuyên mục
Tin khác