Vàng lên sát 90 triệu/lượng, hàng vàng 'báo một đằng, bán một nẻo'

Khánh Tú - 24/10/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng tăng nóng khiến nhu cầu mua vàng của người dân cũng tăng theo. Tuy nhiên, nhiều người không thể mua được vàng do các cửa hàng liên tục báo hết.

Nhà vàng báo một đằng, bán một nẻo

Chỉ trong 4 ngày đầu tuần, giá vàng nhẫn đã tăng tới 2,1 triệu đồng/lượng trong khi vàng miếng SJC tăng tới 3 triệu đồng/lượng. Cá biệt, trong phiên chiều 23/10, giá vàng nhẫn neo ở mức 89 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay và đắt ngang giá vàng miếng SJC cùng thời điểm.

Trước đà tăng của giá vàng, nhu cầu mua vàng của người dân cũng bắt đầu “nóng” theo.

Theo khảo sát sáng 23/10, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng dài người xếp hàng đợi đến lượt mua tại các cửa hàng vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI hay PNJ. Là người “chầu chực” mua vàng nhiều ngày qua, anh Hồng Quang (Hà Nội) cho biết hầu như cửa hàng nào cũng chỉ bán ra với số lượng “nhỏ giọt”.

“Có hôm tôi đợi cả tiếng đồng hồ nhưng cửa hàng không bán, đến lúc tôi về họ lại bán”, anh Quang nói.

Người dân xếp hàng mua vàng ngay khi cửa hàng mở cửa.

Theo nhiều người dân, việc mua vàng đang vô cùng khó khăn. Các cửa hàng cũng không thông báo cụ thể về lịch bán, số lượng bán trong ngày khiến người mua phải thất thểu ra về dù đã đứng đợi cả tiếng đồng hồ.

“Có cửa hàng thông báo một đằng, bán một nẻo khiến người mua không biết đâu mà lần. Có nơi báo hết vàng nhẫn nhưng sau đó vẫn mở bán”, chị Hồng (Hà Nội) cho hay.

Cũng rơi vào trường hợp tương tự chị Hồng, anh Phúc Anh (Hà Nội) cho biết: "Các cửa hàng liên tục báo hết vàng nhẫn lẫn vàng miếng SJC nhưng không thông báo ngày có hàng trở lại. Điều này khiến tôi ngày nào cũng phải gọi đến, thậm chí là ra tận nơi để xem đã có vàng hay chưa".

Khách mua vàng để xe tràn xuống cả lòng đường.

Không chỉ không thông báo cụ thể, hình thức bán vàng của các nhà vàng cũng được phản ánh là "mỗi nơi, mỗi ngày, mỗi kiểu". Khi được khách hàng liên hệ, có cửa hàng chỉ nhận khách đến mua trực tiếp, có cửa hàng lại chỉ nhận khách đã đặt cọc trước đó. Ngoài ra, có cửa hàng lại không nhận đặt cọc trước mà chỉ cho biết "chưa biết khi nào có vàng về".

Xem lại chính sách can thiệp thị trường vàng ?

Nhận định về đà tăng của giá vàng thời gian gần đây, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, đây là điều hoàn toàn bình thường và hợp lý khi giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND cũng tăng theo.

"Giá vàng thế giới tăng thì giá vàng nguyên liệu, giá vàng nhập khẩu về chắc chắn sẽ tăng theo. Tỷ giá của ngân hàng tăng sẽ kéo giá vàng quy đổi tăng theo", ông Phương nói.

Trong khi đó, một chuyên gia về vàng khác lại nhận định, việc giá vàng tăng nóng những ngay qua đã khiến các chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN lộ ra những điểm "chưa hợp lý".

Trước đó, NHNN đã tổ chức bán vàng miếng giá bình ổn qua hệ thống Công ty SJC và 4 ngân hàng thuộc nhóm Big4. Sau thời gian dài triển khai, giá vàng trong nước đã được bình ổn.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết, các giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng được triển khai quyết liệt, giúp ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp. Chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/lượng. Việc vàng miếng SJC được bán qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC giúp hàng tới trực tiếp người dân có nhu cầu.

Có những người "chầu chực" nhiều ngày tại cửa hàng vàng.

Tuy nhiên, về bản chất, giá vàng trong nước, nhất là vàng nhẫn luôn có sự liên thông với giá vàng thế giới. Nhìn vào thực tế, khi giá vàng thế giới vượt mốc 2.700 USD/ounce, giá vàng trong nước theo đó cũng tăng nóng.

"Khi giá vàng thế giới phá đỉnh, rõ ràng, các chính sách bình ổn giá vàng của NHNN không còn hiệu quả như trước. Bằng chứng là giá vàng miếng lẫn vàng nhẫn trong nước đều 'rủ nhau' bốc đầu, ghi nhận những kỷ lục chưa từng thấy từ trước đến nay. Chưa kể, việc bán vàng bình ổn của NHNN cũng khiến mạng lưới bán vàng bị thu hẹp đáng kể, gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường vàng", vị chuyên gia này nhận định.

Trước đó, hai chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du - Nguyễn Xuân Thành cũng đã chỉ ra: giá vàng thế giới và giá vàng trong nước có mối quan hệ 1 - 1, tức giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo.

"Điều này có nghĩa là chính sách hầu như không thể có bất kỳ tác động nào đến giá vàng trong nước. Dù có chính sách nhập khẩu và giao dịch vàng nào ở Việt Nam thì vàng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu và giá vàng trong nước do giá vàng thế giới quyết định. Ngay cả vàng SJC có giá cao hơn so với vàng thường vẫn phải bám sát giá vàng thế giới", hai chuyên gia này nhận định.

Trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đánh giá quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. "Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến, cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung - cầu thị trường", cơ quan thẩm tra nêu.

Sáng 24/10, giá vàng nhẫn tại Tập đoàn Phú Quý được niêm yết ở mức 87,8 - 89 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra. Tại các nhà vàng khác, giá vàng nhẫn hiện dao động từ 88,2 - 88,6 triệu đồng/lượng (chiều bán ra).

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn tiếp tục được neo ở mức 87 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 89 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác