Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng nóng, có lên 91 triệu đồng/lượng?

Nhất Minh - 22/10/2024 10:06 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/lượng trong phiên 22/10. Trong khi đó, giá vàng nhẫn vẫn tiếp tục neo ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong phiên 22/10, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều. Cụ thể, tại SJC, giá vàng miếng được SJC điều chỉnh lên 87 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 89 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC đã tăng 3 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vàng khác vẫn không thay đổi giá vàng miếng khi niêm yết ở mức 86 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 88 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại “bất động” sau chuỗi ngày tăng sốc. Tại PNJ, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 85,8 – 86,75 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Tại SJC, giá vàng nhẫn hiện ở mức 85,1 – 86,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất của vàng nhẫn từ trước đến nay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khó có thể dự đoán được giá vàng trong nước có trở lại vùng đỉnh 91 triệu đồng/lượng hay không. Ông cho rằng đà tăng, giảm của giá vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi chương trình bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước.

"Nếu đầu tư vàng lâu dài thì có thể mua vào lúc này, nhưng nếu để "lướt sóng" kiếm lời thì cần cẩn trọng. Bởi giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.800 USD/ounce hoặc 3.000 USD/ounce vào năm 2025 nhưng sẽ biến động lên - xuống, biến động mạnh hoặc điều chỉnh giảm trong ngắn hạn. Cần cẩn trọng để tránh giá vàng sau khi lên quá cao có thể tạo ra bong bóng rồi lao dốc, gây rủi ro cho những người trót mua vàng thời điểm này", TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đảo chiều trong phiên sáng 22/10, giảm xuống còn 2.725 USD/ounce. Nguyên nhân giá vàng giảm là do chỉ số USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.

Về dài hạn, các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng của giá vàng. Giới đầu tư hiện đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Trung Đông khi căng thẳng bùng phát. Ngoài ra, việc Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRIC, có sự tham dự của Trung Quốc và các quan chức của các quốc gia đang phát triển khác cũng ảnh hưởng đến giá của kim loại quý này.

Cùng chuyên mục
Tin khác