Giá vàng tiếp tục phá kỷ lục, cột mốc 3.000 USD/ounce không còn xa
(VNF) - Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong phiên 21/10, kéo dài đà tăng mạnh trong bối cảnh bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ, căng thẳng âm ỉ ở Trung Đông và việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, trong khi giá bạc đạt mức đỉnh gần 12 năm.
Tăng 40% trong 12 tháng
Giá vàng giao ngay trong phiên 21/10 tăng 0,3% lên 2.729,40 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.732,73 USD. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,6% lên 2.744,80 USD.
Nhờ sự phục hồi của giá vàng, giá bạc giao ngay tăng 1,1% lên 34,03 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối năm 2012.
Ông Soni Kumari, chiến lược gia hàng hóa tại ANZ, cho biết: "Đợt tăng giá trong tháng này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ vì kết quả có vẻ rất sít sao, bất kỳ ai cũng có thể chiến thắng".
Cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ năm 2024 giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang diễn ra rất căng thẳng tại 7 tiểu bang chiến trường sẽ quyết định cuộc bầu cử ngày 5/11.
Tại Trung Đông, hàng trăm cư dân Beirut đã phải rời bỏ nhà cửa vào đêm 20/10, khi nhiều tiếng nổ được nghe thấy, khi Israel chuẩn bị tấn công các địa điểm có liên quan đến hoạt động tài chính của nhóm Hezbollah.
Vàng được coi là khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị. Lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn của nó.
Các nhà đầu tư cũng tiếp nhận tin tức rằng Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn, sau khi cắt giảm các lãi suất chính sách khác vào tháng trước như một phần của gói biện pháp kích thích nhằm phục hồi nền kinh tế.
Cổ phiếu Mỹ tăng vào phiên 18/10 với S&P 500 và Dow Jones đạt mức đóng cửa cao nhất được thúc đẩy bởi sự gia tăng thu nhập từ cổ phiếu Netflix
Nhu cầu vàng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu, đã bị ảnh hưởng do giá vàng cao và nền kinh tế suy thoái.
Ở nơi khác, các nhà giao dịch đang định giá 99% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất một phần tư điểm vào tuần trước.
Giá bạch kim tăng 0,3% lên 1.016,21 USD/ounce, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7. Paladi tăng 0,3% lên 1.076 USD.
Trong 12 tháng qua, giá 1 ounce vàng trên thị trường quốc tế đã tăng từ 1.947 USD lên hơn 2.700 USD, tăng gần 40%.
Việc mua vào liên tục của các ngân hàng trung ương nước ngoài là động lực quan trọng thúc đẩy sức mạnh của vàng.
Tiến gần ngưỡng 3.000 USD/ ounce
"Đối với vàng, 2.800 USD có vẻ là mục tiêu khả thi vào cuối năm... Sẽ có sự cám dỗ chốt lời, điều này có thể làm chậm đà tăng giá ngay lập tức", ông Tim Waterer, chuyên gia phân tích thị trường tại KCM Trade, cho biết.
Ông Nick Fulton, đối tác quản lý tại USA Pawn thì cho hay: "Khi chúng tôi thấy giá vàng ở mức 2.600 USD/ounce, tôi nghĩ giá sẽ là 2.800 USD vào cuối năm. Bây giờ thì sao? Chúng ta có thể thấy giá vàng ở mức 3.000 USD/ounce trong khoảng thời gian 30 ngày".
Ông Michael Martin, phó chủ tịch chiến lược thị trường tại TradingBlock, thì nói với Newsweek rằng giá vàng tăng đột biến trong thời điểm bất ổn địa chính trị đáng kể không có gì đáng ngạc nhiên .
"Những cuộc xung đột đang diễn ra, chẳng hạn như chiến sự ở Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông, đã thúc đẩy các nhà đầu tư hướng đến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng", ông Martin cho biết.
Bên cạnh cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông, giá cả đang tăng nhờ các nhà đầu tư mới và làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương phương Đông.
"Là một người bán hàng truyền thống, chúng tôi thấy nhiều người mua lần đầu. Với giá vàng tăng 25% trong 6 tháng qua, vàng đang thu hút các nhà đầu tư mới", ông Fulton cho biết. Ông cũng lấy dẫn chứng về sự gia tăng mua vàng từ các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Một báo cáo của Reuters cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mua vàng trong 18 tháng liên tiếp và giá trị dự trữ vàng của nước này đã tăng lên 182,98 tỷ USD vào cuối tháng 8, tăng mạnh so với mức 176,64 tỷ USD vào cuối tháng 7.
"Chúng tôi không thấy rằng tình trạng này sẽ sớm lắng xuống", ông Luciano Duque, giám đốc đầu tư tại C3 Bullion, nói với Newsweek.
"Ngược lại, khi các ngân hàng lớn tăng lượng vàng nắm giữ như họ đã làm trong hai năm qua, chúng tôi có thể cho rằng các ngân hàng nhỏ hơn sẽ làm theo, và đối với các nhà đầu tư, đây là một làn sóng đang phát triển", vị giám đốc đầu tư nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư đã tránh bán vàng, "điều này đã hạn chế thêm nguồn cung và tạo thêm áp lực tăng giá", ông Jones cho biết.
Theo ông Jones, với lạm phát giảm nhưng vẫn còn và khả năng cắt giảm lãi suất nhiều hơn, triển vọng của vàng vẫn tích cực trong thời gian còn lại của năm 2024.
"Chúng tôi tin rằng, trong ngắn hạn và trung hạn, sẽ không có cơ hội nào cho bất kỳ sự sụt giảm nào sau khi đạt đến mốc 3.000 USD. Chúng tôi nghĩ rằng giá vàng dưới 2.000 USD có thể là thứ mà chúng ta có thể sẽ không bao giờ thấy lại trong cuộc đời mình", ông Duque nói.
Với việc các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine khó có thể được giải quyết, việc giá vàng giảm trong thời gian dài không nằm trong chương trình nghị sự.
"Những vấn đề ở Trung Đông sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vàng, vì bất kỳ sự gián đoạn nào trong sản xuất và vận chuyển dầu cũng sẽ khiến lạm phát quay trở lại như búa tạ, và vàng sẽ đạt mức cao nhất trong thời kỳ lạm phát cao", ông Jones khẳng định.
BRICS kiểm soát hơn 21% dự trữ vàng của thế giới, Nga – Trung chiếm phần lớn
- Thế giới vẫn nghiện năng lượng của Nga 21/10/2024 02:51
- Giá vàng liên tục lập đỉnh, vì đâu? 21/10/2024 08:32
- TT Nga Putin: 'BRICS phi phương Tây chứ không chống phương Tây' 20/10/2024 09:15
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm
(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.