Vàng nhẫn đắt nhất lịch sử: Dân buôn trả chênh cả triệu đồng mua gom

Minh Nhật - 21/09/2024 12:00 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng thế giới đạt đỉnh đẩy giá vàng nhẫn trong nước chinh phục mốc cao nhất từ trước đến nay. Giá tăng cao cũng đẩy nhu cầu mua bán, trao đổi vàng trên thị trường chợ đen tăng theo.

Thị trường sôi động, vàng nhẫn lên đỉnh

Trong phiên sáng 21/9, giá vàng thế giới tiếp tục thiết lập mốc cao lịch sử mới khi chạm ngưỡng 2.622 USD/ounce, tăng 37 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Trong tuần qua, thị trường thế giới đã chứng kiến nhiều lần tăng giá “điên loạn” của vàng. Kim loại quý này đang được hưởng lợi sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hơn 4 năm.

Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng “bốc đầu” nhiều phiên tuần qua. Giá vàng nhẫn lại vụt tăng khi chạm mốc 80,1 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, khảo sát vào 8h sáng 21/9 tại SJC, giá vàng nhẫn hiện được niêm yết ở mức 79,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tức chỉ thấp hơn giá vàng miếng 1,6 triệu đồng/lượng. Trong tuần qua, giá vàng nhẫn đã tăng từ 1 – 1,5 triệu đồng/lượng.

Trái lại, giá vàng miếng SJC vẫn đang neo ở mức 82 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 80 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Sau khi tăng vọt 1,5 triệu đồng, giá vàng miếng vẫn tiếp tục đi ngang nhiều phiên tuần qua.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 27%. Mức sinh lời của vàng nhẫn trơn năm nay vượt trội so với vàng miếng SJC (khoảng 8%).

Giá vàng nhẫn tăng sốc khiến nhu cầu vàng cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, do thị trường “chính quy” khan hiếm vàng nhẫn và vàng miếng SJC trong thời gian dài khiến thị trường vàng chợ đen hoạt động sôi nổi hơn bao giờ hết.

Tại nhiều hội nhóm mua bán vàng công khai trên mạng xã hội, xuất hiện không ít bài đăng của "dân buôn" gom vàng với nội dung “nhận thu mua vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ, SJC, Bảo Tín Mạnh Hải với giá cao hơn cả triệu so với giá niêm yết của các nhà vàng”. Ngoài ra, cũng có những khách hàng sẵn sàng bỏ ra số tiền chênh 500 nghìn – 1 triệu đồng/lượng để mua vàng “trao tay”.

Liệu giá vàng có tăng mãi?

Theo Mô hình phân bổ lợi nhuận vàng (GRAM) của Hội đồng vàng thế giới, giá vàng đang được thúc đẩy bởi sự suy yếu của USD và sự trượt dốc của lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Cùng với đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới càng làm tăng thêm sự bất ổn, thúc đẩy hoạt động của nhà đầu tư trên thị trường vàng.

Chuyên gia phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda của Capital.com, trong môi trường hiện tại, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.700-2.800 USD/ounce trong 12 tháng tới.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ hỗ trợ cho giá vàng bởi lượng tiền được kỳ vọng sẽ bơm ra nhiều hơn. Mặc dù giá vàng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới song ông Khánh cho rằng dư địa tăng mạnh của vàng không còn, khó mang lại lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư.

Từ thực tế, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng hiếm khi tăng 20 – 30%/năm. Chính vì thế, kịch bản giá vàng đạt 3.000 USD/ounce, tức tăng 50% trong năm nay là vô cùng khó xảy ra.

Đồng quan điểm, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank cũng chỉ ra rằng đà tăng giá này của vàng “sẽ không thể duy trì mãi” vì Fed nhiều khả năng chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm/lần trong 2 cuộc họp tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác