VDSC: Ngân hàng tư nhân sẽ đón 'điểm rơi' lợi nhuận vào quý II và quý III/2022

Minh Tâm - 17/01/2022 11:00 (GMT+7)

(VNF) - "Trên nền tảng vĩ mô thuận lợi, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa và độ biến động lớn theo quý. Khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm, điểm rơi về lợi nhuận dự kiến là quý II - quý III/2022", phía VDSC nhìn nhận.

VNF
VDSC: Ngân hàng tư nhân sẽ đón 'điểm rơi' lợi nhuận vào quý II và quý III/2022

Trong báo cáo nhận định ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng năm 2022, việc các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng. Các gói cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền đồng thời giảm tổn thất tín dụng dự kiến với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi.

Chính sách tiền tệ hỗ trợ năm 2022 sẽ tiếp tục được duy trì với dự kiến sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua tăng trưởng tín dụng. Kết hợp với điều kiện thanh khoản ổn định trong ngắn hạn, VDSC kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay.

"Chúng tôi cũng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13-14%, tương đương mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ có thể có bất ngờ tích cực phụ thuộc vào lạm phát và kết quả của gói kích thích, do đó trong các dự báo trong tương lai có thể tăng lên bất cứ khi nào khi các lý do trở nên vững chắc", chuyên gia của VDSC nêu quan điểm.

Về huy động, VDSC dự đoán sẽ có sự ổn định trong tăng trưởng. Tăng trưởng huy động năm 2021 được dẫn dắt bởi khu vực doanh nghiệp, trong khi tăng trưởng năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi của tiền gửi dân cư. Tuy nhiên, VDSC vẫn cho rằng tiền gửi doanh nghiệp sẽ có tốc độ tăng tốt hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng (13-14%) sẽ vẫn cao hơn huy động (10-11%).

Sự phân hóa giữa tăng trưởng tín dụng và huy động tiếp tục duy trì sẽ dần tác động đến thanh khoản của ngành ngân hàng, VDSC dự đoán áp lực thanh khoản giữa các ngân hàng sẽ phân hoá.

Tựu trung, VDSC cho rằng triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 tiếp tục được cải thiện trên nền tảng chính sách tiền tệ mở rộng, nền kinh tế phục hồi và rủi ro nền kinh tế cải thiện, trong khi áp lực tăng lãi suất dự kiến chỉ xuất hiện cuối năm 2022 và phân hóa từng ngân hàng.

Theo khảo sát của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng định hướng nới khẩu vị rủi ro theo đà phục hồi kinh tế và điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ bùng nổ dần về phía cuối năm trên nền tảng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được giải ngân dần. Về gói cấp bù lãi suất, VDSC cho rằng sẽ mang lại sự hỗ trợ tích cực cho phía doanh nghiệp nhiều hơn và trực tiếp hơn so với các ngân hàng thương mại.

"Trên nền tảng vĩ mô thuận lợi, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa và độ biến động lớn theo quý. Khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm, điểm rơi về lợi nhuận dự kiến là quý II - quý III/2022", phía VDSC nhìn nhận.

Cụ thể hơn, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn sẽ có tốc độ và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài và phí trả trước bancassurance phân hóa, nhưng vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô vừa trở lên.

Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng nhóm ngân hàng quốc doanh được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022.

Cùng chuyên mục
Tin khác