'Vén màn' thế lực ngoại sở hữu ngân hàng Việt

Mai Hạnh - 13/09/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng Việt có sự tham gia của cổ đông nước ngoài. Việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng tăng nguồn lực tài chính mà còn hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Cổ đông ngoại sở hữu vốn nhiều ngân hàng Việt

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định ngân hàng phải công bố các cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Theo yêu cầu trên, các ngân hàng đã công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn. Theo đó, ngoài cổ đông cá nhân và tổ chức trong nước, nhiều ngân hàng Việt có sự tham gia của cổ đông nước ngoài.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố bản cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đáng chú ý, danh sách lần này có thêm hai cái tên mới là J.P.Morgan Securities PLC và Nordea 1, SICAV, nắm lần lượt 1,5% và 1,03% cổ phần của MB. Trước đó, vào ngày 16/7, MB đã công bố hai cổ đông lớn khác nắm trên 1% vốn điều lệ là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và Pyn Elite Fund. Ngoài ra, MB còn có 4 cổ đông lớn khác là: Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nhóm cổ đông này sở hữu 44,345% vốn điều lệ của MB.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng mới cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Theo đó, 11 cổ đông đang nắm 37,09% vốn điều lệ MSB. Cá nhân duy nhất nắm trên 1% vốn của MSB là người nước ngoài đó là ông Nilesh Ratilal Banglorewala, với tỷ lệ 3,32% vốn điều lệ. Ông Nilesh Ratilal Banglorewala từng giữ chức giám đốc Khối Quản lý tài chính tại MSB.

Nhiều nhà băng khác có đối tác chiến lược là tổ chức nước ngoài, nắm tỷ lệ vốn lớn. Như tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), các nhà đầu tư ngoại đang nắm 20,45% vốn, gồm: Aozora Bank, Ltd (15%) Portal Global Limited (3,03%), Pyn Elite Fund (2,42%). Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tổng sở hữu của cổ đông ngoại đạt hơn 21,2%. Trong đó, dẫn đầu về sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments và người liên quan nắm giữ hơn 6,2% vốn ngân hàng này.

Ba tổ chức ngoại tại Ngân hàng TMCP Á Châu là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited đang nắm giữ hơn 6% cổ phần của nhà băng này. Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), hai quỹ ngoại nắm 4,4% vốn điều lệ là Baillie Gifford Pacific Fund (2,19%) và Pyn Elite Fund (2,2%). Ngân hàng An Bình (ABBank) có cổ đông nước ngoài là Maybank, cũng là cổ đông chiến lược, sở hữu 16,39% vốn điều lệ và là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất. VIB hiện có 18 cổ đông nắm hơn 72% vốn điều lệ. Trong đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Commonwealth Bank là cổ đông lớn nhất khi sở hữu hơn 19,8% vốn tại nhà băng này.

Trong nhóm Big4, Vietcombank đang có cổ đông chiến lược là Mizuho Corporate Bank nắm 15% vốn và Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) nắm 1,67% vốn. Cổ đông ngoại của VietinBank là ngân hàng Nhật MUFG đang nắm giữ 19,73% vốn và là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu CTG nhất. Trong khi đó, danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của BIDV có 2 cổ đông là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Keb Hana Bank. Cổ đông chiến lược Keb Hana Bank sở hữu 15% vốn tại BIDV.

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng chưa có nhiều sự xuất hiện của cổ đông nước ngoài. Chẳng hạn, tại Eximbank, 2 cổ đông là tổ chức nắm giữ cổ phần trên 1% là Tập đoàn Gelex sở hữu 10% và Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX với 3,58%. KienlongBank có 21 cổ đông, gồm 16 cổ đông cá nhân và 5 cổ đông tổ chức, đang nắm hơn 70% vốn điều lệ nhưng trong đó không có cổ đông nước ngoài.

Nhiều nhà băng khác như BVBank, Nam A Bank, Saigonbank... đang trong quá trình tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp với chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.

Làm sao hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Dự báo, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng tăng thêm nguồn lực tài chính mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng nhiều nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà với thị trường ngân hàng Việt Nam do vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu và sự hoài nghi về tính minh bạch trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Dragon Capital, đánh giá rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng.

TS Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam, nhìn nhận rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia đầu tư vào ngân hàng Việt là mức sở hữu tối đa 30% cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room, bởi hầu hết nhà băng đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhà quản lý cần xem xét nới room, nhằm thu hút vốn ngoại vào ngân hàng.

Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, một tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 15%, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được sở hữu quá 20%, một nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tuy nhiên, NHNN đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc tối đa có thể tăng lên 49%, theo quyết định của Thủ tướng.

NHNN cho biết, thu hút dòng vốn ngoại được xem là giải pháp quan trọng, đã đề cập tại Quyết định 689/2022 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và kế hoạch hành động của NHNN.

Nhưng PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cũng tỏ ra băn khoăn khi cho rằng việc nới giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngân hàng thương mại lên mức 49% dẫu có thể làm tăng sức hấp dẫn song chiến lược bán vốn nhỏ giọt của các ngân hàng thương mại sẽ là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nêu một góc nhìn bổ sung là nhiều nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu chuẩn mực quản trị rất khắt khe nên nhiều ngân hàng Việt vẫn chưa thực sự hấp dẫn với họ. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Hiếu cho rằng cần tăng tính minh bạch và đáng tin cậy trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Điểm tên 'ông lớn' nước ngoài sở hữu trên 1% vốn tại ngân hàng Việt

Điểm tên 'ông lớn' nước ngoài sở hữu trên 1% vốn tại ngân hàng Việt

Ngân hàng
(VNF) - Bất chấp làn sóng rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong thời gian qua, ngành ngân hàng vẫn đồng loạt ghi nhận sự xuất hiện của những cổ đông nước ngoài, nắm giữ lượng lớn cổ phiếu.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.