(VNF) - Tổng giám đốc Ngân hàng Woori Việt Nam đánh giá tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nếu không tự đổi mới, “đi trước đón đầu” thì ngân hàng sẽ bị “lãng quên” ở phía sau.
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Park Jong Il - Tổng giám đốc Ngân hàng Woori Việt Nam, cho rằng việc chuyển đổi số phải đi cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì chúng ta mới cảm nhận được giá trị của nó. Việc chạy theo chuyển đổi số mà không mang lại giá trị thực tế chỉ gây lãng phí tiền bạc và thời gian.
- Hàn Quốc là quốc gia đi đầu về ứng dụng ngân hàng số và đã có nhiều đạo luật liên quan đến fintech và ngân hàng ảo (neobank). Ông có thể cho biết Woori Bank đã và đang làm gì để chuyển đổi số phù hợp với thị trường tại Việt Nam?
Ông Park Jong Il: Những năm gần đây, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, nghiệp vụ của ngân hàng. Hàn Quốc là quốc gia đi đầu về ứng dụng ngân hàng số và đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực.
Khi gia nhập thị trường tài chính Việt Nam, Ngân hàng Woori luôn quan tâm ứng dụng những công nghệ tiên tiến, phù hợp định hướng và thị trường dân số trẻ ở Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Woori Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ chuyển đổi số hiện đại hiện cũng đang được áp dụng tại Hàn Quốc, cảm nhận rõ nhất là ứng dụng Woori WON Vietnam.
Ứng dụng Woori WON Vietnam là phần mềm hoàn thiện, tích hợp nhiều tính năng như quản lý tài khoản ngân hàng, thanh toán tiện lợi, dễ dàng mở tài khoản online, quản lý tài khoản vay, tài khoản tiết kiệm,… Cùng với đó Woori Bank đã liên kết cùng nhiều đối tác như VNPay, Epay cũng như chuẩn bị hoàn thiện liên kết với các ví điện tử ZaloPay, MoMo… để đem đến khách hàng phương thức thanh toán tiện lợi, tối ưu nhất.
Cùng với đó, để đảm bảo giải pháp toàn diện cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, Ngân hàng Woori Việt Nam đã đưa ra giải pháp dịch vụ CMS với tính năng quản lý tài khoản tập trung, thanh toán/chuyển tiền cho khách hàng doanh nghiệp. Woori Bank đang đưa ra giải pháp kết nối hệ thống quản lý tài khoản tập trung ngân hàng với hệ thống ERP (giải pháp quản trị doanh nghiệp) nhằm đáp ứng giải pháp cho nhiều khách hàng doanh nghiệp, mang lại sự tiện lợi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, tối ưu công việc.
Đối với Ngân hàng Woori Việt Nam, giải pháp chuyển tiền/thu tiền bằng mã QR code giúp cho khách hàng thực hiện thanh toán tiện lợi hơn, chủ cửa hàng, quán ăn có thể quản lý doanh thu trong thời gian thực bằng cách kết nối thông tin thanh toán QR của khách hàng với máy POS tại cửa hàng.
Trong thời gian tới đây, Ngân hàng Woori Việt Nam sẽ triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán bằng mã QR code giữa Việt Nam và Thái Lan sau khi được cấp phép dịch vụ ngân hàng thanh toán quốc tế. Theo đó, khi đi du lịch Thái Lan, người Việt Nam chỉ cần sở hữu tài khoản Woori Bank là có thể thực hiện dịch vụ thanh toán bằng QR code tại Thái Lan.
- Theo ông, những thách thức nào mà ngân hàng phải đối mặt và vượt qua trong quá trình áp dụng chuyển đổi số từ Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam?
Khi vào thị trường Việt Nam, chúng tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đầu tiên là vấn đề rào cản ngôn ngữ, nhưng trong một thời gian ngắn, các nhân sự Việt Nam đã giải quyết vấn đề này rất tốt.
Bên cạnh đó, một vấn đề không chỉ Hàn Quốc mà Việt Nam đang phải đối mặt là tin tặc, rủi ro lộ thông tin, xâm nhập hệ thống. Theo đó, chúng tôi luôn phát đi thông báo để người dùng nâng cao cảnh giác, nâng cao hệ thống thông tin, quản trị thiết bị lạ đăng nhập sẽ báo cáo ngay với chủ tài khoản.
Thêm nữa, thị trường Việt Nam đón nhận nền tảng kỹ thuật chuyển đổi số rất tích cực, tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, nếu không tự đổi mới, “đi trước đón đầu”, chúng tôi sẽ bị “lãng quên” ở phía sau.
Định hướng của ngân hàng Woori là mang đến giải pháp tài chính cá nhân, doanh nghiệp đối với nhiều người dân Việt Nam chứ không chỉ riêng các khách hàng Hàn Quốc. Để làm được điều đó, tôi rất mong muốn các cơ quan ban ngành của Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể khi áp dụng những kỹ thuật mới, những dịch vụ mới để khách hàng sẽ có thể yên tâm khi trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới.
- Từ câu chuyện của Hàn Quốc, ông nhìn nhận thế nào về thực tế chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam, nhất là xu hướng ngân hàng mở (OpenBanking)?
Việc triển khai ngân hàng mở tại Hàn Quốc trong giai đoạn đầu chưa hiệu quả do các tổ chức không có động lực và chưa thấy lợi ích khi tham gia. Trong quãng thời gian đầu triển khai, các ngân hàng vẫn còn e ngại trong việc chia sẻ dữ liệu khách hàng của ngân hàng cho các đơn vị Fintech và các ngân hàng khác. Điều này dẫn đến việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn và tiến độ bị ảnh hưởng.
Nhận thấy được nút thắt quan trọng này, tháng 2/2019, Chính phủ Hàn Quốc thông báo kế hoạch triển khai hạ tầng ngân hàng mở, quy định bắt buộc các ngân hàng phải tham gia và có nhiều hỗ trợ của Chính phủ cho ngành ngân hàng. Dưới sự tác động của Chính phủ, cùng với sự phát triển của nhu cầu thị trường trong nước và xu hướng triển khai trên thế giới ngày càng rõ rệt, các ngân hàng đã dần thay đổi nhận thức trong việc tham gia vào hạ tầng ngân hàng mở. Việc gắn bó với hệ thống khép kín sẽ khiến ngân hàng tụt hậu trong cuộc đua về đổi mới tài chính. Kể từ khi có sự thúc đẩy quyết tâm hơn của Chính phủ, việc triển khai ngân hàng mở tại Hàn Quốc mới thực sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ sau khi chính thức vận hành giai đoạn 2 từ tháng 12/2019.
Các công ty Fintech tại Hàn Quốc đã gặp một số khó khăn khi triển khai ngân hàng mở do các công ty này có trình độ kỹ thuật cao nhưng không thực sự hiểu về các quy định của pháp luật (ngược lại so với các ngân hàng). Ngoài ra, các Fintech vừa và nhỏ không có đủ nguồn lực cho việc đảm bảo tính bảo mật cho dịch vụ.
Đối với các ngân hàng tại Hàn Quốc, việc triển khai ngân hàng mở cũng gặp một số thách thức khi ngân hàng chưa sẵn sàng thay đổi tư duy về dịch vụ mới và chia sẻ dữ liệu của họ cho bên thứ ba. Ngân hàng coi dữ liệu tại ngân hàng là tài sản riêng và có thể thu được nhiều doanh thu hơn nếu không chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức khác.
Việt Nam đang là đất nước có nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á với 55% dân số tham gia hoạt động kinh tế và 40% dân số sống tập trung tại khu vực đô thị. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang có xu hướng tăng tới 40%, thêm vào đó thanh toán điện tử bằng điện thoại di động đang được phổ biến rộng rãi ở thế hệ Gen Z.
Hiện nay, Việt Nam đang làm rất tốt công cuộc chuyển đổi số. Các đơn vị Fintech tại Việt Nam đều được các đơn vị uy tín xây dựng như MoMo, Viettel Money... Từ đó, các ngân hàng sẵn sàng kết nối, hợp tác, chia sẻ thông tin.
Việt Nam cũng tương đồng với Hàn Quốc về văn hoá nên tôi nghĩ Việt Nam cần quan tâm hơn nữa về việc thực hiện chính sách, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin khách hàng, cũng như nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số phải đi cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì chúng ta mới cảm nhận được giá trị của nó. Việc chạy theo chuyển đổi số mà không mang lại giá trị thực tế chỉ gây lãng phí tiền bạc và thời gian.
Theo đó, Ngân hàng Woori Việt Nam phấn đấu trở thành đối tác tài chính tin cậy đồng hành, đảm bảo an toàn thông tin cùng mỗi người dân Việt Nam bằng việc cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, tư vấn đầu tư phù hợp cho từng cá nhân.
- Hiện nay, việc lộ lọt thông tin khách hàng đang trở thành một chủ đề quan tâm của dư luận, vậy Woori Bank đã và đang làm gì để hoàn thiện, bảo mật thông tin khách hàng trước cuộc đua về công nghệ, tài chính số này, thưa ông?
Hiện nay, nhiều cá nhân bị mất tiền trong tài khoản, điều này đang trở thành mối quan ngại của nhiều ngân hàng trong đó có Woori Bank. Do đó, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, Ngân hàng Woori Việt Nam đã ban hành quy định hướng dẫn xử lý nghiệp vụ chi tiết bắt đầu từ bước thu thập cho đến các bước như sử dụng, lưu trữ hay xóa bỏ thông tin khách hàng để phù hợp với Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2023.
Ngân hàng Woori Việt Nam thực hiện áp dụng những kinh nghiệm về bảo mật thông tin khách hàng tại Hàn Quốc, áp dụng tuân thủ những tiêu chuẩn bảo mật thông tin quốc tế, tham vấn ý kiến từ Ngân hàng mẹ và các cơ quan của Chính phủ Việt nam để kiểm soát chặt chẽ tính hợp lý của công tác bảo mật.
Ngân hàng là tổ chức hoạt động nhờ sự tin tưởng của khách hàng, chính vì vậy Ngân hàng Woori Việt Nam luôn luôn thực hiện áp dụng chính sách bảo vệ thông tin khách hàng tốt nhất để Quý khách hàng có thể yên tâm tin tưởng. Chúng tôi thường xuyên đưa ra các cảnh báo trước nguy cơ “lạ” và thường xuyên cập nhật phần mềm, hạn chế lỗ hổng hệ thống, từ đó, bảo mật hệ thống được nâng cao.
- Theo ông, lợi thế và bất lợi của ngân hàng nước ngoài trong cuộc đua chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam là gì?
Hàn Quốc đã thực hiện thành công việc chuyển đổi số trước Việt Nam từ những năm 2016, vì thế theo tôi thấy lợi thế ở đây đó chính là việc “kinh nghiệm đi trước”. Ngân hàng chúng tôi có thể giới thiệu cho Việt Nam những nội dung cần chú ý khi chuyển đổi số bằng những ví dụ đa dạng, thực tiễn đã diễn ra tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi số tại Việt Nam, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Các đơn vị Fintech vừa và nhỏ khiến chúng tôi lo ngại việc đảm bảo tính bảo mật cho dịch vụ chính khách hàng chúng tôi. Cùng với đó là vấn đề rào cản ngôn ngữ đối với các đơn vị liên kết. Các đơn vị Fintech khi làm việc với chúng tôi họ phải thêm ngôn ngữ tiếng Hàn vào các phần mềm bắt buộc, điều này khiến cho thời gian thực hiện bị kéo dài. Bên cạnh đó, khi làm việc cùng các công ty Fintech tại Việt Nam, chúng tôi phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng mẹ và quy định pháp luật của Việt Nam.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Woori Việt Nam chúng tôi mong muốn được trở thành một phần của xã hội Việt Nam. Chính vì vậy, thay vì tạo ra những dịch vụ mang tính thử nghiệm, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc cung cấp những giải pháp tài chính ổn định, đặt niềm tin của khách hàng lên hàng đầu. Cùng với đó, chúng tôi luôn nỗ lực để tiếp tục đưa ra những dịch vụ tài chính tiện lợi dựa trên kỹ thuật chuyển đổi số, cùng với đó, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để trở thành một ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam trong việc gây dựng niềm tin với khách hàng.
(VNF) - Lô đất từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại đường Minh Tảo, quận Bắc Từ Liêm mới đây đã có những chuyển động mới. Nhiều người quan tâm liệu có phải chủ mới đã tiếp quản và làm dự án mới.