Venezuela phát hành tiền ảo để vực dậy nền kinh tế

Lê Anh - 04/12/2017 15:12 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mới đây đã đưa ra thông báo rằng nước này sẽ phát hành tiền ảo để giúp vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc thảm hại. Đồng tiền điện tử mới của Venezuela có thể được gọi là đồng "Petro".

VNF
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

"Đồng Petro sẽ được hậu thuẫn bởi nguồn dự trữ dầu mỏ, khí gas, vàng và kim cương", ông Maduro đã phát biểu trên sóng truyền hình ngày 3/12.

Tổng thống Venezuela đặt nhiều kỳ vọng rằng loại tiền này sẽ giúp Venezuela "tăng cường chủ quyền tiền tệ, thúc đẩy các giao dịch tài chính, và vượt qua sự phong tỏa tài chính".

Hiện ông vẫn chưa đưa ra nhiều thông tin cụ thể hay chi tiết về kế hoạch phát hành đồng tiền ảo trên. Tuy nhiên, ông tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch này.

Ở một động thái khác, các nhà kinh tế và lãnh đạo phe đối lập cho rằng việc ông Maduro nên làm bây giờ là xem lại các chính sách kiểm soát tiền tệ quốc gia và ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế. Họ cho rằng quyết định phát hành tiền ảo của Tổng thống Maduro phải nhận được sự chấp thuận của quốc hội trước khi đưa vào thực hiện.

Nhiều người đưa ra ý kiến rằng ông Maduro đang làm "trò hề" và kế hoạch này "hoàn toàn chẳng có gì đáng tin cậy".

Nền kinh tế Venezuela bắt đầu chao đảo và gặp khủng hoảng từ sau khi Tổng thống Hugo Chevez qua đời vào năm 2013, các chính sách của Tổng thống kế nhiệm Nicolas Maduro không khắc phục được các lỗ hổng quản lý và các món nợ chồng chất.

Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, từ một quốc gia được mệnh danh là cường quốc dầu mỏ, chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu của quốc gia, giá dầu của Venezuela bị sụt giảm nghiêm trọng ở mức dưới 50 USD/thùng.

Đồng nội tệ Bolivar của Venezuela cũng rơi tự do trong vài tuần qua sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nước này càng thêm khó khăn để giải quyết các khoản nợ chính phủ.

Chính sách quản lý tiền tệ cùng với việc in tiền quá mức khiến đồng bolivar của Venezuela tăng tới 57% so với đồng USD chỉ trong tháng trước và khiến mức lương tối thiểu tháng giảm xuống chỉ còn 4,3 USD.

Theo dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát năm 2017 của quốc gia này sẽ tăng lên mức 2.200%. Mức độ suy thoái còn sâu sắc hơn cả Hy Lạp vào thời điểm khủng hoảng đỉnh cao về đồng euro. Năm 2001, Venezuela là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ nhưng giờ đã thuộc hàng nghèo nhất khu vực này.

2017 được xem là năm bùng nổ của tiền điện tử khi giá trị của chúng đột ngột tăng trưởng đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần, đem lại tỉ suất lợi nhuận hơn hẳn mọi loại cổ phiếu, ngoại tệ và cả vàng. 

Hiện có rất ít quốc gia công nhận chính thức loại tiền này. Việc Venezuela phát hành tiền ảo được xem là một dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tác động mạnh đến khả năng của Venezuela trong việc chuyển tiền qua các ngân hàng quốc tế.

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác