Vì sao ngân hàng không mặn mà mở ‘hầu bao’ cho dự án đường bộ cao tốc?

Lệ Chi - 25/10/2021 19:55 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng các ngân hàng không mặn mà cho vay làm dự án đường bộ cao tốc bởi vì rủi ro lớn thể hiện ở nợ xấu cao, thu hồi vốn khó, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn có tiềm lực…

VNF
Vì sao ngân hàng không mặn mà mở ‘hầu bao’ cho dự án đường bộ cao tốc? (ảnh minh họa)

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc: Lựa chọn kênh tiếp cận” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phối hợp với SCIC tổ chức chiều 25/10, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, cho rằng để các ngân hàng mở “hầu bao” nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000km dự án cao tốc trong thời gian tới vẫn là một điểm nghẽn, bởi hiện nay các ngân hàng rất e ngại và thận trọng.

Ông Bắc cho biết trước đây, các ngân hàng rất hồ hởi tham gia vào các dự án BOT giao thông, cho vay tích cực nhưng sau một thời gian nhận thấy phát sinh quá nhiều vấn đề.

“Muốn để ngân hàng mở hầu bao, chúng ta phải thay đổi cơ chế chính sách để tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các ngân hàng đang gặp phải”, ông Bắc nói.

Theo ông Bắc, các ngân hàng không mặn mà cho vay bởi vì rủi ro lớn, thể hiện ở nợ xấu cao. Bản thân các ngân hàng là những đơn vị huy động vốn trong nền kinh tế, huy động tiền tiết kiệm để cho vay, khi đầu tư vốn tín dụng thì ngân hàng cũng phải tính đến việc thu hồi để có tiền hoàn trả lại cho người gửi tiết kiệm. Do đó, một là phải mang lại hiệu quả cho tổ chức tín dụng; hai là việc cho vay không quá rủi ro cho các ngân hàng. 

“Vậy thì làm thế nào để các dự án an toàn hiệu quả”, ông Bắc đặt vấn đề và cho rằng phải thu hút được các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, các dự án giao thông khi kêu gọi vốn, đấu thầu vừa qua lại có rất ít nhà đầu tư tiềm lực tài chính, hầu như họ đều đứng ngoài cuộc.

“Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao lại như thế, chứng tỏ là nó chưa hấp dẫn đối với khu vực tư nhân”, vị này nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông nên để cho cơ chế thị trường tự vận hành và không nên can thiệp hành chính vào việc này. Bởi lẽ, nếu việc can thiệp không đúng sẽ gây ra sự méo mó và hệ lụy. Chẳng hạn nếu các ngân hàng thương mại cho vay mà không thu hồi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Chúng ta phải đặt vấn đề ngược lại, để có những dự án tốt trước hết phải có những nhà đầu tư mạnh mới hấp dẫn, thu hút vốn vào. Khi các nhà đầu tư lớn tham gia vào thì các ngân hàng cũng thích thú hơn. Bởi vì nhà đầu tư lớn sẽ có tiềm lực tài chính và có khả năng chống chọi những biến động trái chiều”, ông Bắc phân tích.

Cũng theo ông Bắc, đầu tư cho giao thông mang tính chất dài hạn, còn vốn huy động của các ngân hàng rất ngắn hạn. Câu chuyện thu hồi vốn trong 20 năm khiến các ngân hàng phải tính đến rủi ro bất thường xảy ra nhưng không thể tính hết được rủi ro trong dài hạn.

Một vấn đề nữa, theo ông Bắc là phải có cơ chế đảm bảo nguồn thu. Trong quá trình tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay, ông cho biết đều nhấn mạnh đến tiêu chí công khai minh bạch. Hiện tại, đã có đề án rất hay là triển khai thu phí không dừng, đây là việc áp dụng công nghệ vào để kiểm soát doanh thu của dự án để chống thất thoát.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận việc triển khai thu phí không dừng có sự chậm trễ nhất định. Khi đi qua các trạm thu phí hiện nay, nếu nói các trạm đều áp dụng thu phí không dừng là không hoàn toàn vì vẫn có những trạm thủ công.

"Làm thế nào để áp dụng đồng bộ các cửa không dừng để kiểm soát được nguồn thu. Nếu chúng ta có những chính sách ưu đãi sẽ khuyến khích được chủ phương tiện sử dụng thẻ thu phí không dừng", ông kiến nghị.

Vị phó vụ trưởng cũng nhấn mạnh rằng để các ngân hàng mở “hầu bao” cho BOT giao thông còn phải đánh trúng vấn đề. Vấn đề ở đây không phải là thu hồi lãi vay mà nằm ở việc thu gốc. Tức là cần có cơ chế để hạn chế rủi ro, qua đó các ngân hàng mới yên tâm cho vay.

“Thông thường, khi nói về chia sẻ rủi ro là nói về vai trò của nhà nước đứng ra bảo lãnh. Nhưng ngân sách hạn hẹp, chúng ta có trần nợ công nên việc bảo lãnh cho các khoản tín dụng sẽ vô cùng khó khăn”, ông nói.

Để chia sẻ rủi ro, ông Bắc cho rằng đã có luật PPP, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư và phải quyết định ngay ở khâu quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án. Các hạ tầng xung quanh dự án BOT như khu công nghiệp, dự án bất động sản… đều hưởng lợi. "Phải đem cái lợi đó chia cho chủ dự án BOT thì may ra bớt rủi ro hơn", ông Bắc nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.