Vị tỷ phú quyết không chi một đồng cho lực lượng cứu hộ sau 3 lần gặp nạn

Mai Lý - 28/06/2023 07:26 (GMT+7)

(VNF) - Những chuyến du lịch mạo hiểm với chi phí đắt đỏ đã vô tình trở thành bản án tử đối với nhiều tỷ phú. Nhiều chiến dịch giải cứu quy mô lớn được triển khai và tiêu tốn số tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, những vị tỷ phú từng bỏ ra hàng trăm nghìn USD cho các chuyến đi mạo hiểm lại không mất đồng nào cho những chiến dịch giải cứu chính mình.

VNF
Vị tỷ phú quyết không chi một đồng cho lực lượng cứu hộ sau 3 lần gặp nạn

Mới đây nhất, 5 người trên tàu lặn Titan, trong đó có tỷ phú người Anh Hamish Harding và hai cha con tỷ phú Pakistan, đã gặp tai nạn. Ngay sau khi sự cố xảy ra, một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn đã diễn ra. Chiến dịch giải cứu này được cho là đã tiêu tốn tới cả triệu USD. Theo luật liên bang, bất kỳ dịch vụ tìm kiếm hoặc cứu nạn nào cũng không được thu tiền bồi hoàn.

“Chúng tôi không thể quy giá trị tiền tệ cho các trường hợp tìm kiếm và cứu nạn, vì không liên kết chi phí với việc cứu một sinh mạng”, Tuần duyên Mỹ cho hay. Tuy nhiên, nhiều người không hài lòng với điều này bởi “tại sao xã hội phải chi tiền cho nỗ lực giải cứu một người nếu người đó đủ giàu để tham gia các hoạt động rủi ro này?”

Tàu lặn Titan gặp nạn khi đang thám hiểm tàu Titanic

Vị tỷ phú người Mỹ Steve Fossett cũng đã từng bị chỉ trích vì không chịu bỏ tiền trả cho các chi phí cứu trợ mình trong những lần ông gặp tai nạn khi thám hiểm.

Lúc sinh thời, Steve Fossett là một phi công, thủy thủ, nhà thám hiểm và kỷ lục gia với 116 kỷ lục trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, ông còn thành lập 2 công ty riêng là Lakota Trading (1980) hoạt động trong lĩnh vực thương mại và Marathon Securities hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.

Vào năm 1998, Steve Fossett kết thúc chuyến bay vòng quanh thế giới bằng kinh khí cầu với việc lao xuống đại dương cách bờ biển Úc 500 dặm. Khi đó, Không quân Hoàng gia Úc đã phải điều động tới máy bay vận tải Hercules C-130 để tìm kiếm trong khi máy bay quân sự của Pháp thả bè cứu sinh, điều động 15 người tìm kiếm. Steve Fossett sau đó được một chiếc du thuyền cứu.

Chi phí cho lần tìm kiếm này không được tiết lộ. Tuy nhiên, khi được nhiều người yêu cầu trả tiền cứu trợ, vị tỷ phú này đã gạt đi và quyết không chi ra một đồng.

Cũng trong cuối năm đó, tuần duyên Mỹ đã phải chi hơn 130.000 USD để cứu Steve Fossett và tỷ phú Anh Richard Branson. Kinh khí cầu của họ bị rơi xuống vùng biển gần Hawaii trong một cuộc thám hiểm. Chi phí của cuộc giải cứu này, tất nhiên, cũng không phải do 2 vị tỷ phú này chi trả.

Steve Fossett

Vào năm 2007, Steve Fossett mất tích sau khi lên máy bay một động cơ Bellanca. Mục đích của chuyến bay khi đó là nhằm tìm kiếm một địa điểm để Steve Fossett thực hiện kỷ lục thế giới mới. Tuy nhiên, sau khi cất cánh từ đường băng riêng gần thung lũng Smith, Neveda, Steve Fossett đã biến mất không dấu tích.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã tổ chức một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhất trong lịch sử của cơ quan này. Ngoài ra, Google và Amazon.com cũng tham gia chiến dịch này. Thế nhưng đến hơn 1 tháng sau đó họ vẫn không tìm thấy bất kỳ dấu tích nào của Steve Fossett. Vào năm 2008, Steve Fossett được tòa án hạt Cook công nhận đã chết về mặt pháp lý. Vợ ông được thừa kế số tiền lên tới khoảng 10 triệu USD cùng số tiền bồi thường bảo hiểm lên tới khoảng 53 triệu USD.

Một số mảnh vỡ được tìm thấy gần nơi Steve Fossett mất tích

Chính quyền bang Nevada đã chi tới 1,6 triệu USD cho chiến dịch tìm kiếm Steve Fossett. Vợ của Steve Fossett cũng từ chối trả tiền cho chiến dịch tìm kiếm này bởi bà đã phải chi 1 triệu USD cho chiến dịch tìm kiếm riêng. Chưa kể, theo luật sư của Steve Fossett, “cuộc tìm kiếm của bang Nevada là chi phí của chính phủ phải chi trả để thực hiện chức năng của chính phủ”.

Cho đến nay, cái chết của Steve Fossett vẫn còn nhiều nghi vấn. Có người nói rằng ông dàn xếp vụ mất tích vì gặp rắc rối tài chính hay ông không muốn phải chia tài sản cho vợ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra khẳng định rằng vị tỷ phú này đã quá liều lĩnh khi thực hiện chuyến bay và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Theo AP, CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác