Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng ‘hiến kế’ để ngân hàng thương mại cứu doanh nghiệp

Vĩnh Chi - 16/05/2020 17:04 (GMT+7)

(VNF) – Ông Phạm Xuân Hòe, Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh không phải các ngân hàng thương mại không muốn hợp tác để cứu doanh nghiệp nhưng vấn đề là ai sẽ xác thực hồ sơ pháp lý?

VNF
Ông Phạm Xuân Hòe

Nêu ý kiến tại tọa đàm “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng để “giải cứu” nền kinh tế, Chính phủ cần lập một tổ đặc nhiệm, từ trung ương đến các địa phương, để xử lý thông tin doanh nghiệp.

Theo ông Hòe, Chính phủ có 3 gói hỗ trợ cho doanh nghiệp: gói giãn thuế, gói cơ cấu nợ, gói an sinh xã hội. Việc của tổ đặc nhiệm là phân định các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: bao nhiêu doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10% – 30%, bao nhiêu 30% – 50%, bao nhiêu 50% – 80% và bao nhiêu trên 80%.

“Còn cứ mập mờ thì có doanh nghiệp chạy được cả 3 gói mà có ông chả được gói nào, chết vẫn chết”, ông Hòe nói.

Ông Hòe cho rằng nghị quyết của Chính phủ (sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp) cần phải rất chi tiết. “Tôi rất buồn khi nghị quyết của ta quá vĩ mô, mà vĩ mô như vậy thì hiểu theo nhiều cách. Ta phải rút kinh nghiệm từ vụ giãn cách xã hội vừa qua, chỉ thị của Thủ tướng mà mỗi tỉnh hiểu một kiểu”.

Nhắc đến việc ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, ông Hòe nhấn mạnh một thực tế: “Không phải các ngân hàng thương mại không muốn hợp tác để cứu doanh nghiệp, nhưng vấn đề là ai sẽ xác thực hồ sơ pháp lý”.

“Câu chuyện hình sự hóa của ta rất nặng nề”, ông nói.

Ông Hòe dẫn lại một câu chuyện mà chính ông thực hiện để minh họa cho “thế khó xử” của các ngân hàng thương mại hiện nay: “Hồi xưa tôi cứu nhà máy bia Hương Sen (giờ là bia Đại Việt). Hồi đó, Hương Sen vay tôi 93 tỷ đồng, trong đó 6 tỷ đồng là ngắn hạn, còn lại là trung – dài hạn. Tôi phải làm căng đến mức phải có chữ kí của phó chủ tịch UBND tỉnh, của Ngân hàng Nhà nước, của Chủ tịch Vietinbank thì mới cho vay mới để thu nợ cũ”.

“Ngân hàng thương mại ngồi cùng thuyền với doanh nghiệp, hai bên đều là doanh nghiệp cả. Cho nên tôi nghĩ tổ đặc nhiệm quan trọng ở chỗ xác định số liệu của doanh nghiệp là thật hay không để từ đó hai bên dàn xếp với nhau về hợp đồng tín dụng. Còn cứ nói suông thì chính sách vẫn rất chung, ở bên dưới không ai dám triển khai cả. Vì người ta lo cái ‘hậu’ triển khai, rằng tôi có bị trách nhiệm không, có bị hình sự hóa không”.

Góp ý cho vấn đề làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, ông Hòe cho hay doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giờ không có tài sản thế chấp nữa.

“Có người gợi ý, bảo lấy quỹ bảo lãnh của địa phương hay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng nói thật lấy đâu ra tiền. Tôi đọc Nghị định 34/2018 của Chính phủ, tổng số tiền của 16 quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ khoảng 34.000 tỷ, không thấm tháp gì cả.

“Nghị định này có 2 quy định mà tôi cho là không thực hiện được. Một là tổng mức bảo lãnh tín dụng của quỹ tính trên vốn điều lệ thực có của quỹ không quá 15% đối với một khách hàng và không quá 20% đối với một khách hàng và người có liên quan. Hai là bảo lãnh tín chấp do ông chủ tịch quỹ làm. Nhưng có câu thòng là phải bảo toàn vốn nhà nước cấp cho quỹ, vậy tôi xin thưa là không ông chủ tịch nào dám bảo lãnh tín chấp cả. Còn bảo lãnh bằng tài sản thế chấp thì thà đi vay ngân hàng thương mại còn hơn”, ông Hòe nói.

Ông Hòe cho hay có một con đường giải quyết vấn đề trên, đó là cho thuê tài chính. Để làm được điều này, ông Hòe cho rằng Chính phủ phải có chính sách, “ném tiền ra”, với quy định là phải nhập dây chuyền của Nhật, thế hệ bao nhiêu, tiêu chuẩn thế nào…

“Doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản bảo các ông muốn đứng vào chuỗi của tôi, muốn phụ trợ cho tôi vậy công nghệ của ông đời mấy, quản trị kiểu gì, có trách nhiệm xã hội không, có đảm bảo môi trường không, những câu chuyện ấy đều đặt ra hết. Tôi cho rằng phải sử dụng cho thuê tài chính, cho thuê đến 80% tài sản luôn”, ông Hòe nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác