Việt Nam - Nhật Bản ký 12 văn kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế
Thanh Tú -
19/10/2020 14:38 (GMT+7)
(VNF) - Sáng nay (19/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Nhật Bản Suga Yoshihide đã chứng kiến lễ ký kết 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 19/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết Việt Nam hiện là Chủ tịch ASEAN, cũng là là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực”, Thủ tướng Yoshihide khẳng định đồng thời cho biết ông chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên bởi “Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.
Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam.
Về hợp tác hướng tới phục hồi từ dịch bệnh Covid-19, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu quy trình đi lại ngắn ngày (business trip) và tái khởi động đường bay quốc tế 2 chiều.
Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vừa tận dụng tối đa trang thiết bị y tế mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền là 4 tỷ yen. Hai nước sẽ phối hợp để có thể bước trên con đường phục hồi từ dịch bệnh Covid-19.
Ông Suga cũng khẳng định rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đang gặp khó khăn do đại dịch gồm thực tập sinh, lưu học sinh và những người gặp khó khăn chưa thể về nước.
Về hợp tác để giải quyết các vấn đề khu vực, hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11 sắp tới mà Việt Nam là nước Chủ tịch, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, hai bên nhất trí sẽ thắt chặt hợp tác trước những thách thức trong khu vực bao gồm cả vấn đề Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Việc hai bên đã cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng là một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước.
“Tôi tin chắc rằng, hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy”, Thủ tướng Suga cho biết.
Trong sáng 19/10, hai bên đã trao đổi 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực gồm các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
“Nhật Bản chúng tôi, cả Chính phủ và doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam với dự án tiêu biểu của dự án cơ sở hạ tầng là dự án đường sắt đô thị TP. HCM”, ông Suga tuyên bố.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Suga cho biết, sẽ hợp tác để sớm thực hiện việc xuất khẩu quả quýt unshu của Nhật Bản cho Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu cho Nhật Bản.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam. Đặc biệt là một loạt dự án lớn mà hai bên thống nhất thúc đẩy, nhất là những dự án gặp trở ngại trong quá trình triển khai.
Thủ tướng cho rằng việc hai bên trao đổi một loạt các văn kiện hợp tác là minh chứng sinh động cho phát triển mạnh mẽ, vững chắc, nhiều mặt của hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Cũng tại buổi họp báo, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS 1982.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone