Việt Nam bác tin người gốc Việt mua đất, đe dọa chủ quyền Campuchia
Lê Anh -
05/12/2019 17:43 (GMT+7)
(VNF) - Thông tin người Việt Nam di dời khỏi khu vực biển Hồ, mua đất của Campuchia, đe dọa an ninh, chủ quyền quốc gia này là không có cơ sở.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay (5/12), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước những ý kiến cho rằng việc những người Việt Nam bị chính quyền tỉnh Kampong Chhang, Campuchia di dời khỏi khu vực Biển Hồ mua đất của Campuchia là đe dọa an ninh và chủ quyền của Campuchia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là những thông tin không có cơ sở".
“Việt Nam thông hiểu chủ trương phát triển kinh tế, xã hội bề vững của Campuchia, trong đó có việc di dời người dân ở khu vực Biển Hồ tại tỉnh Kampong Chhnang. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia luôn theo dõi sát sao việc di dời, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ bà con gốc Việt thuộc diện di dời, kêu gọi bà con tuân thủ pháp luật của nước sở tại”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.
Từ năm 2018, chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thực hiện kế hoạch di dời các làng nổi của người gốc Việt lên bờ và hơn 1.000 gia đình sẽ tái định cư ở một địa điểm khác.
Đầu năm nay, chính quyền tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia, thông báo hoãn việc di dời 750 hộ gia đình người gốc Việt ở Biển Hồ đến tháng 7/2019. Trước đó, hơn 3.000 gia đình đã tình nguyện chuyển đến khu tái định cư ở vùng đất cao hơn.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Indonesia hồi tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen bày tỏ sự quan tâm và thống nhất với đề nghị của phía Việt Nam về vấn đề di dời nơi ở của các gia đình gốc Việt, đồng thời chỉ đạo chính quyền tỉnh Kampong Chhnang bảo đảm thực hiện việc di dời có lịch trình phù hợp; xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu tại nơi tái định cư; đặc biệt là bảo đảm duy trì nghề nghiệp làm ăn để giúp bà con ổn định cuộc sống.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.