‘Việt Nam là ngôi sao đang lên nhưng đừng tự mãn’

Kỳ Thư - 22/04/2023 12:45 (GMT+7)

(VNF) - Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã nói như trên và lưu ý: "Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn".

VNF
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit.

Cần cải cách đột phát 

Tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng (22/4), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gần đây. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã biến động trong 12 tháng qua, giảm từ 73 điểm trong quý I/2022 xuống chỉ còn 48 điểm trong quý IV/2022 và quý I/2023.

“Các số liệu trong Báo cáo trong quý I/2023 cho thấy có dấu hiệu hy vọng, khi chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, mặc dù chỉ số BCI vẫn ở mức 48. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của EU cho thấy đà sụt giảm kinh tế đang "tạo đáy" và doanh nghiệp sẽ chứng kiến sự tích cực trong thời gian tới”, ông Gabor Fluit cho biết.

Với Việt Nam, mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam vẫn được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư.

“Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

Với các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, ông Gabor Fluit đề xuất đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.

“Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong KCN nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp. Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU”, ông Gabor Fluit đề xuất.

Nhấn mạnh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn, đại diện DN Châu Âu khuyến cáo nên áp dụng định mức chi phí tái chế do doanh nghiệp góp cần được trừ đi phần giá trị thu hồi được sau tái chế đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu có giá trị tái chế cao.

“Các doanh nghiệp cũng nên được phép nộp các khoản đóng góp tái chế của họ cho năm 2024 vào đầu năm 2025, dựa trên thực tế sản xuất và nhập khẩu. Việt Nam nên tăng cường xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về chất thải, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa có thể phân hủy sinh học như một biện pháp giảm thiểu chất thải chính”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Về du lịch, ông Gabor Fluit khuyến nghị mở rộng miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, mở cửa cho khách du lịch chi tiêu cao và tạo điều kiện xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

Về thuế và phí, đại diện EuroCham khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế thu nhập đặc biệt (TTĐB) hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng tôi cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện.

Cuối cùng, ông Gabor Fluit khuyến nghị thúc đẩy chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác