Việt Nam tụt 3 bậc, đứng thứ 77/140 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm 2018

Hoàng Lan - 17/10/2018 10:28 (GMT+7)

(VNF) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết năm nay, phương pháp thực hiện xếp hạng đã có sự thay đổi toàn diện, theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ.

VNF
WEF cho biết năm nay, phương pháp thực hiện xếp hạng đã có sự thay đổi toàn diện, theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018. Xếp hạng năm nay của WEF đưa ra đánh giá 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thang điểm từ 0-100. Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế trong Báo cáo của  WEF. Như vậy, so với vị trí 74/135  trong bảng xếp hạng năm ngoái, năm nay Việt Nam bị tụt 3 bậc. Tuy nhiên, điểm số của Việt Nam đạt được năm nay là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017.

12 tiêu chí được WEF đưa ra tính toán để xếp hạng năng lực cạnh tranh của 1 nền kinh tế, bao gồm: thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh, và năng lực sáng tạo.

Trong đó, trụ cột “sức khoẻ” của Việt Nam được đánh giá cao nhất với 81 điểm, đứng thứ 68/140; quy mô thị trường đạt 71 điểm, đứng thứ 29/140; ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75 điểm, đứng thứ 64/140.

Đứng cuối bảng là “thị trường cho sản phẩm” đứng thứ 102/140; động lực kinh doanh đứng thứ 101/140; kỹ năng đứng thứ 97/140.

Ngoài ra, thể chế của Việt Nam đạt 50 điểm, đứng thứ 94/140; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đứng thứ 95/140; năng lực sáng tạo đạt 33 điểm, đứng thứ 82/140 quốc gia được xếp hạng.

Điểm số dành cho Việt Nam ở các hạng mục đánh giá. Từ trái qua: điểm năng lực cạnh tranh, thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh, và năng lực sáng tạo - Nguồn: WEF.

WEF cho biết năm nay, phương pháp thực hiện xếp hạng đã có sự thay đổi toàn diện, theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ. Do sự điều chỉnh phương pháp này mà Thụy Sỹ tụt xuống vị trí thứ tư, chấm dứt chuỗi 9 năm liên tiếp là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, nhường vị trí quán quân cho Mỹ. Trong khi đó, Singapore và Đức tiếp tục giữ vị trí tương ứng thứ hai và thứ ba.

"Mỹ giành 86,5 điểm, đồng nghĩa với việc nước này còn thiếu 14 điểm nữa mới đạt năng lực cạnh tranh cực đại", hãng tin Reuters dẫn lời bà Saadia Zahihi, một thành viên Hội đồng Giám đốc WEF. Tuy nhiên, bà Zahidi nhấn mạnh rằng Mỹ là một "cường quốc sáng tạo" với thị trường lao động linh hoạt và một thị trường rộng lớn.

Trung Quốc đứng ở vị trí 28 trong xếp hạng, Nga thứ 43 và Ấn Độ ở vị trí 58. So với năm ngoái, Ấn Độ tụt 18 bậc.

Thái Lan xếp thứ 38, tăng 2 bậc so với năm 2017. Indonesia xếp 45, tăng 2 bậc. Malaysia đứng ở vị trí 25, tăng 1 bậc. Philippines xếp thứ 56, tăng 12 bậc.

Theo phương pháp đánh giá cũ của WEF, Mỹ nhận mức điểm kém hơn do môi trường kinh tế vĩ mô và nợ công. Tuy nhiên, xếp hạng mới dành cho Mỹ điểm số lên tới 99,2 điểm ở hạng mục "biến động nợ" (debt dynamics).

Có một số ý kiến cho rằng WEF đã điều chỉnh phương pháp đánh giá nhằm mục đích làm hài lòng Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các chuyên gia của WEF phủ nhận điều này, hãng tin Reuters cho hay.

"Chỉ số cũ và chỉ số mới cũng giống như táo và cam vậy. Lý do chúng tôi thực hiện chỉ số mới là vì sự thay đổi trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thu nhập trong dài hạn", bà Zahidi nói.

98 chỉ số trong xếp hạng được lấy từ các tổ chức quốc tế và một cuộc khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp. Các chỉ số này chủ yếu phản ánh các chính sách dài hạn của các nền kinh tế như đầu tư vào các kỹ năng số - bà Zahidi cho hay.

Nhóm 30 nền kinh tế "đội sổ" của xếp hạng chủ yếu là các nước châu Phi. Trong đó, đứng cuối cùng là Haiti, Yemen và Chad, với điểm số 35,5 dành cho Chad.

Cùng chuyên mục
Tin khác