'Lạc quan về tăng trưởng kinh tế số học mà bỏ quên chất lượng là thiếu sót'

Bảo Vy - 09/10/2018 09:34 (GMT+7)

"Khả năng tăng trưởng GDP đạt được ít nhất 6,7%, khả năng đạt được 7% là có tuy nhiên vấn đề luôn luôn đặt ra là tăng trưởng nhanh như thế chưa chắc tốt", ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết.

VNF
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính.

- Tính chung tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức cả năm là 6,7%, GDP quý cuối của năm chỉ cần tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ. Ông dự báo thế nào về tăng trưởng GDP năm 2018?

Dự báo của tôi có lẽ hơi bảo thủ một chút, khả năng tăng trưởng GDP đạt được ít nhất 6,7%, khả năng đạt được 7% là có tuy nhiên vấn đề luôn luôn đặt ra là tăng trưởng nhanh như thế chưa chắc tốt. Vấn đề cần đặt ra là chất lượng tăng trưởng ngay cả khi đạt được mức tăng trưởng 6,7% con số không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng được định nghĩa theo nghĩa giá trị hàng hoá, dich vụ.

Không những tăng về số học mà phải tăng về chất lượng, chẳng hạn như tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế khác và đặc biệt vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục phải được cải thiện… Nếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế số học mà bỏ quên chất lượng là thiếu sót.

- GDP quý III có vẻ vẫn tăng trưởng rất tốt bất chấp Ngân hàng Nhà nước có quan điểm thận trọng hơn đối với tăng trưởng tín dụng. Theo ông, chính sách tiền tệ thắt chặt nói chung sẽ phải mất bao lâu để thể hiện ra trên số liệu tăng trưởng GDP (giảm tốc tăng trưởng GDP)?

Thường thường thắt chặt tín dụng đâu đó mất khoảng thời gian 6 tháng sẽ có tác dụng. Từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức 17%, thậm chí với một số ngân hàng thấp hơn, chỉ 11% thành ra Ngân hàng Nhà nước đã thận trọng từ đầu năm, thi hành chính sách tín dụng thắt chặt hơn so với năm ngoái.

Liên quan đến chỉ tiêu lạm phát, CPI bình quân 9 tháng ở mức 3,57%. Hai nhóm mặt hàng chính tác động tới mức lạm phát của Việt Nam là xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Trong khi giá xăng dầu tăng mạnh thời gian gần đây, áp lực lên chỉ số lạm phát như thế nào?

Theo tôi lạm phát năm nay khó đạt được mức 4% như đã đặt ra nếu chúng ta duy trì mức 4% tốt quá nhưng với tình hình hiện tại, vấn đề giá xăng dầu, giá thực phẩm, giá dịch vụ y tế, giao thông đang tăng, tạo áp lực lớn đối với chỉ tiêu lạm phát.

Giá dầu có khả năng tiếp tục tăng mạnh khi OPEC và Nga không đồng ý việc gia tăng sản lượng và chính sách cấm vận kinh tế của Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11 này. Giá xăng dầu thế giới tăng kéo theo đó, giá xăng trong nước cũng sẽ tăng theo và mặt hàng xăng dầu tăng cũng kéo theo nhiều mặt hàng khác cùng tăng.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm như thịt heo có thể tiếp tục tăng trở lại do khan hiếm nguồn cung vì dịch tả lợn châu Phi lan ra nhiều nước trong khu vực, nguồn cung khan hiếm đẩy giá heo tăng thời gian tới gây sức ép lên lạm phát, lương thực và thực phẩm chiếm hơn 27% quyền số CPI.

- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trong những tháng cuối năm theo ông cần biện pháp gì hạn chế tác động của nó?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang hiện đang trở thành đề tài bàn luận trên khắp thế giới, cả 2 quốc gia Trung Quốc và Mỹ hầu như không tìm giải pháp, thậm chí họ liên tiếp tiến tới mức độ càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Với Việt Nam, cần tăng chất lượng hàng xuất khẩu tạo ra cạnh tranh nhiều hơn nữa và điều cũng quan trọng nữa là Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua việc điều chỉnh tỷ giá hợp lý.

- Xin cảm ơn ông!

Theo BizLIVE
Cùng chuyên mục
Tin khác