Vietcombank chuẩn bị bán 6,5% vốn cho nhà đầu tư ngoại

Minh Anh - 05/07/2024 20:24 (GMT+7)

(VNF) - Theo Chứng khoán ACB (ACBS), Vietcombank chuẩn bị bán 6,5% vốn cho Mizuho và một số cổ đông khác, giá phát hành có thể đạt 100.000 đồng/cp.

Thương vụ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương hơn 307,6 triệu cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank là câu chuyện thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong năm nay.

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán ACB (ACBS) cho hay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang chuẩn bị phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho cổ đông chiến lược là Ngân hàng Mizuho (Mizuho Bank) của Nhật Bản và một số cổ đông khác.

ACBS cho rằng, thương vụ bán vốn ngoại của Vietcombank sẽ hoàn tất trong quý I/2025, song cũng còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Dự kiến, Mizuho Bank sẽ được quyền mua 46,1 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này, còn 261,4 triệu cổ phiếu thuộc về các nhà đầu tư khác.

Hiện Vietcombank chưa công bố giá trị thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới. Nhưng dựa trên dữ liệu phân tích P/E và P/B từ đợt phát hành cổ phiếu tương tự hồi năm 2019, ACBS ước tính giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Vietcombank lần này sẽ rơi vào khoảng 96.000-100.000 đồng/cp.

Trên thị trường, cổ phiếu VCB đang được giao dịch ở mức 88.500 đồng/cp. Nếu mức chào bán được ấn định trong khoảng 100.000 đồng/cp sẽ là thông tin tốt dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư.

Theo ACBS, việc phát hành lần này sẽ có nhiều tác động tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank.

Cụ thể, nhóm phân tích kỳ vọng CAR của Vietcombank sẽ được cải thiện thêm khoảng 2 điểm % sau khi phát hành. Dù CAR của Vietcombank hiện tại đã đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu 8%, việc cải thiện hệ số an toàn vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng năng lực cung ứng tín dụng ra nền kinh tế mà vẫn đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vốn của Basel 3 trong tương lai, đồng thời tạo dư địa chi trả cổ tức tiền mặt trong những năm tới.

Nhưng với việc tăng gần 20% quy mô vốn chủ sở hữu, ACBS cho rằng Vietcombank sẽ phải đối mặt với áp lực duy trì hiệu quả sinh lời đang ở mức khá tốt của mình.

ACBS dự báo ROE của Vietcombank sẽ giảm từ mức 20% hiện tại xuống 15% đến năm 2026 - tương đương với trung bình ngành.

Liên quan đến thương vụ này, theo công bố mới đây, ngày 19/8 tới, Vietcombank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thảo luận chi tiết hơn về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cũng như bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 và sửa đổi một số nội dung trong điều lệ, quy chế của ngân hàng.

Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019 song vẫn chưa thể hoàn tất.

Vào tháng 1/2019, Vietcombank phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho GIC Private Limited (GIC) - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% vốn) cho Mizuho Bank. Qua thương vụ này, Vietcombank thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng tương đương mức giá 55.800 đồng/cổ phiếu.

Đến nay, Mizuho Bank vẫn là cổ đông lớn thứ hai tại Vietcombank với tỷ lệ sở hữu 15% (hơn 838 triệu cổ phiếu), chỉ xếp sau Ngân hàng Nhà nước là 74,8% (hơn 4,18 tỷ cổ phiếu).

Ngân hàng Nhật Bản này trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietcombank từ năm 2011, thông qua thương vụ mua cổ phần trị giá khoảng 570 triệu USD.

Trong những năm qua, Mizuho Bank có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Vietcombank. Việc Mizuho Bank tiếp tục rót tiền vào Vietcombank như lời khẳng định về mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai bên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vietcombank cho thấy, thu nhập lãi thuần nhà băng này giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 14.078 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế quý I của Vietcombank giảm 4%, đạt hơn 10.718 tỷ đồng.

Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt hơn 42.000 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng đầu năm, nhà băng đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận năm.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an

Ngân hàng
(VNF) - Chiều 1/7/2024, tại trụ sở Bộ Công an, trong khuôn khổ “Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về Định danh và xác thực điện tử”, đã diễn ra lễ ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử” giữa Vietcombank và Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an.
Cùng chuyên mục
Tin khác