Ngân hàng

Vietcombank dồn tiền chờ xử lý nợ xấu hậu dịch

(VNF) - 6 tháng đầu năm 2020, Vietcombank không dùng bất kỳ đồng dự phòng cụ thể nào để xóa nợ xấu.

Vietcombank dồn tiền chờ xử lý nợ xấu hậu dịch

Vietcombank dồn tiền chờ xử lý nợ xấu hậu dịch

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 vừa được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố ghi nhận một tín hiệu đáng chú ý: trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietcombank không dùng bất kỳ đồng dự phòng cụ thể nào để xóa nợ xấu.

Vietcombank không dùng một đồng dự phòng cụ thể nào để xóa nợ xấu trong nửa đầu năm 2020. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Vietcombank

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến số dư dự phòng rủi ro đến cuối tháng 6/2020 của Vietcombank lên đến 16.371 tỷ đồng. Con số này gấp tới 2,54 lần tổng nợ xấu cùng thời điểm, hay dùng thuật ngữ chuyên ngành thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank hiện lên đến 254%, cao kỷ lục theo số liệu từ năm 2010 trở lại đây và gần như chắc chắn đứng đầu ngành ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức rất thấp, chỉ 0,83%. Mức rất thấp này nhiều khả năng là một trong những lý do khiến Vietcombank chưa "mặn mà" xóa nợ xấu bằng nguồn dự phòng trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh yếu tố chất lượng các khoản cho vay của Vietcombank vốn dĩ đã tốt hơn mặt bằng chung, nguyên nhân quan trọng khác khiến tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank hiện duy trì ở mức rất thấp bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 là do Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay chịu ảnh hưởng bởi dịch và đáp ứng điều kiện tái cơ cấu của thông tư.

Trên thực tế, Thông tư 01 chỉ là giải pháp tạm thời bởi về bản chất, nợ xấu vẫn là nợ xấu dù được giữ nguyên nhóm nợ trên sổ sách và sau cùng, vẫn phải trả nợ xấu về đúng bản chất để thực hiện trích lập dự phòng và dùng dự phòng để xóa nợ xấu.

Do đó, thời gian tới, nhiều khả năng Vietcombank sẽ dần ghi nhận thêm lượng lớn nợ xấu thời kỳ hậu dịch Covid-19 và song song với đó là thực hiện xóa nợ xấu bằng nguồn dự phòng để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp.

Động thái không xóa nợ xấu bằng dự phòng, đồng thời tiếp tục trích lập thêm lượng lớn trong nửa đầu năm nay của Vietcombank để đẩy số dư dự phòng lên cao cho thấy ngân hàng này đang dồn nguồn lực để mạnh tay xử lý nợ xấu hậu dịch Covid-19.

Có thể thấy áp lực nợ xấu đang ngày càng lớn hơn khi số liệu cuối tháng 6/2020 cho thấy, lượng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Vietcombank lên đến 7.724 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần chỉ sau 6 tháng, đang trực chờ để "nhảy" sang nhóm nợ xấu (nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5).

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, Vietcombank ghi nhận 10.981 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mặc dù giảm nhẹ 2,8% so ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng gần như chắc chắn vẫn đứng đầu ngành ngân hàng.

Dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng thấp, chỉ 4,9%.

Tin mới lên