Vietcombank 'soán ngôi' Vingroup, trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE

Minh Tâm - 04/06/2020 23:49 (GMT+7)

(VNF) - Giá trị vốn hóa của Vietcombank kết phiên gần nhất đạt mức 330.090 tỷ đồng, qua đó vượt Vingroup (vốn hóa 324.713 tỷ đồng) để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.

VNF
Vietcombank trở thành doanh nghiệp lớn nhất sàn HoSE, vượt Vingroup và gần gấp đôi giá trị vốn hóa của BIDV

Sau chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp, thị giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đạt mức 89.000 đồng, chính thức quay về khoảng giá trước khi chịu ảnh hưởng bởi sự kiện Covid-19.

Đáng chú ý, giá trị vốn hóa của Vietcombank kết phiên 4/6 đã đạt mức 330.090 tỷ đồng, qua đó vượt Vingroup (vốn hóa 324.713 tỷ đồng) để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.

Phiên 4/6, thị giá VCB đã tăng 1,3%, trong khi VIC giảm 0,8%.

Thời gian qua, VCB là cổ phiếu hàng đầu dẫn dắt đà tăng của VN-Index. 9 phiên gần nhất, thị giá VCB đã tăng liên tục tổng cộng 9,9%. Cùng thời gian, VN-Index tăng 3,7%.

Top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE kết phiên 4/6. Nguồn: HoSE

Quý I/2020, đà tăng lãi thuần chậm lại ở cả mảng tín dụng lẫn phi tín dụng, trong khi chi phí hoạt động tăng hai chữ số và chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp rưỡi đã khiến lợi nhuận trước thuế của Vietcombank sụt giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.222 tỷ đồng.

Điểm tích cực nhất là tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt mức 2,8% trong quý I, cao hơn mức bình quân ngành là 1,3%, chủ yếu nhờ các khoản vay mua nhà bán lẻ. Vietcombank cho rằng rủi ro tín dụng từ các khoản vay mua nhà không cao trong kịch bản cơ sở (dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 6/2020).

Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi ở mức 0,6%, trong đó tiền gửi từ các khách hàng bán lẻ tăng 0,3% (tăng 2,3% ở nhóm khách hàng cá nhân; sụt giảm 12,9% ở nhóm khách hàng doanh nghiệp SMEs) và tiền gửi từ các tập đoàn lớn tăng 1%.

Liên quan đến phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng Vietcombank phải dành khoảng 30-40% lợi nhuận năm 2019 để hỗ trợ nền kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay và giảm phí, theo tường thuật của Công ty Chứng khoán SSI tại cuộc gặp gỡ chuyên viên phân tích gần nhất, đại diện Vietcombank cho biết tổng lợi nhuận giảm từ việc hỗ trợ này phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong kịch bản cơ sở sẽ không nhiều như vậy.

Thu nhập từ nợ xấu đã xóa đạt 958 tỷ đồng, giảm 16,3% trong quý I/2020. Các hoạt động thu hồi nợ gặp khó khăn do dịch Covid-19 và có thể chậm lại trong các quý sắp tới.

Cũng trong quý đầu năm, ngân hàng này đã thu hẹp hoạt động liên ngân hàng, do nhu cầu vay liên ngân hàng giảm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm.

Một nội dung đáng chú ý khác trong cuộc gặp gỡ chuyên viên phân tích gần nhất là việc bán bảo hiểm của Vietcombank đã được khởi động vào giữa tháng 4/2020 với kế hoạch thu nhập hoa hồng từ bảo hiểm không nhiều trong năm đầu tiên. Phí trả trước sẽ được ghi nhận dựa trên tỷ lệ hoàn thành mục tiêu doanh thu, theo thỏa thuận với FWD trong hợp đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.