VietinBank sắp phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu

Minh Tâm - 15/08/2019 08:18 (GMT+7)

(VNF) - VietinBank sắp phát hành 500.000 trái phiếu với tổng mệnh giá lên đến 5.000 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng lượng trái phiếu VietinBank nắm giữ là trên 32.000 tỷ đồng.

VNF
VietinBank sắp phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Tổng lượng trái phiếu chào bán ra công chúng lần này lên đến 500.000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.

Như vậy, tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá lên đến 5.000 tỷ đồng.

Lần phát hành này chia làm 2 đợt. Đợt 1 gồm 400.000 trái phiếu, bao gồm 200.000 trái phiếu CTG1926T2/01 và 200.000 trái phiếu CTG1929T2/01. Đợt 2 gồm 100.000 trái phiếu, bao gồm 50.000 trái phiếu CTG1926T2/02 và 50.000 trái phiếu CTG1929T2/02.

Số lượng trái phiếu đợt 1 chào bán không hết sẽ được chuyển sang đợt 2 chào bán tiếp.

Trái phiếu đợt 1 sẽ được phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực. Với đợt 2 là trong vòng 90 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn về việc nhận được Thông báo phát hành trái phiếu đợt 2 của VietinBank.

Được biết, đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng lượng trái phiếu VietinBank nắm giữ là trên 32.000 tỷ đồng, trong đó trên 5.500 tỷ đồng là trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm và trên 26.500 tỷ đồng là trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm.

Vài năm trở lại đây, VietinBank thường xuyên phải phát hành lượng lớn trái phiếu để duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở trên mức tối thiểu.

Hiện ngân hàng này đang gặp khó trong vấn đề tăng vốn, bởi tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã ở mức tối thiểu (65%) nên không thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn, trong khi đó, dư địa để phát hành trái phiếu cũng không còn nhiều.

Tỷ lệ an toàn vốn thường xuyên duy trì ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng của VietinBank theo đó cũng bị hạn chế, bởi nếu tăng trưởng nhanh hơn, tài sản có rủi ro nhiều hơn sẽ khiến tỷ lệ an toàn vốn suy giảm và có thể xuống dưới ngưỡng tối thiểu.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài phương án kém khả thi là ngân sách nhà nước bỏ tiền tăng vốn cho VietinBank, một phương án khác hợp lý hơn là tăng vốn bằng cách giữ lại lợi nhuận (không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu), đợi đến năm 2021 khi ngân hàng được phép giảm tỷ lệ Nhà nước xuống 51% (theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt) thì sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn.

Nửa đầu năm 2019, trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế, dư nợ cho vay nửa đầu năm nay của VietinBank chỉ tăng vỏn vẹn 2,4%. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng của ngân hàng này vẫn tăng tới 25,4% nhờ tăng thu, giảm chi.

Nguồn lợi nhuận thuần dồi dào giúp VietinBank vẫn giữ được lợi nhuận trước thuế đi ngang, đạt 5.334 tỷ đồng, dù đã tăng gấp rưỡi lượng trích lập dự phòng.

Cùng chuyên mục
Tin khác