Tài chính quốc tế

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2017

(VNF) – Năm 2017 tình hình kinh tế thế giới liên tục có những "biến động khó lường", nhiều quốc gia đã chấp nhận sự hiện diện của những đồng tiền kỹ thuật số, những tập đoàn công nghệ lớn ngày càng khẳng định vị thế của mình, và rất nhiều "góc khuất" đã bị phanh phui.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2017

VietnamFinance đã bình chọn 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu trong năm 2017.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6/11 đến ngày 11/11 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

Với sự hiện diện của 11.000 vị khách, trong đó có lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên, APEC đã thông qua hai tuyên bố chung quan trọng phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Hội nghị chuyên đề về các ưu tiên của APEC 2017 do Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tổ chức.

Đó là tuyên bố chung của Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC 2017 (AMM), các bộ trưởng nhắc lại cam kết kiên định đến hết năm 2020 và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ. Còn trong Tuyên bố Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm.

Bộ trưởng 11 nước thành viên TPP đã đạt được thỏa thuận về TPP-11 không có Mỹ với tên gọi mới CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Sức nóng của các đồng tiền kỹ thuật số

Năm 2017 là năm bùng nổ của các đồng tiền ảo. Kể từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã tăng giá tới 1.700%. Trong tháng 12, giá trị của Bitcoin có thời điểm đã vượt mốc 20.000 USD, sau khi Sở Giao dịch chứng khoán Chicago (Mỹ) đã bắt đầu chấp nhận đồng tiền này.

Kể từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã tăng giá tới 1.700%.

Giá của đồng tiên ảo Litecoin đã đạt mức 255,42 USD vào giữa tháng 12. Vào ngày 1/1/2017, Litecoin giao dịch ở mức 4,36 USD, như vậy, đồng tiền số này đã tăng đến 5.758%. Mức vốn hóa thị trường của Litecoin đang ở mức khoảng 14,4 tỷ USD, trong khi con số này của bitcoin là 282,8 tỷ USD.

Theo dữ liệu của CoinDesk, giá của đồng tiền ảo Ethereum đã vượt qua mức 500 USD lần đầu tiên vào ngày 11/12), và tăng lên mức cao nhất là 553,19 USD, giá của nó đã tăng hơn 5.000% kể từ đầu năm 2017.

Single Day vượt Black Friday thành ngày mua sắm lớn nhất thế giới

Alibaba đã phá vỡ mọi kỷ lục khi đạt doanh thu 91,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,3 tỷ USD) trong Ngày lễ độc thân 11/11, biến ngày này trở thành sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới.

Tổng cộng, có hơn 1,48 tỷ giao dịch được thanh toán, với 90% lượt mua hàng bằng điện thoại thông minh. Cổng thanh toán trực tuyến AliPay phải xử lý trung bình mỗi giây, trong suốt ngày 11/11 là 256.000 đơn hàng.

Hơn 1,48 tỷ giao dịch được thanh toán trong ngày hội mua sắm Single Day.

Cục Dự trữ Bưu điện Trung Quốc ước tính có hơn một tỷ gói hàng được chuyển qua lại Trung Quốc từ 11/11 đến 16/11, con số này tương đương với tổng số lượng gói hàng mà họ thực hiện trong cả năm 2006.

Cũng theo AliZali, có tổng tộng 225 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ngày 11/11. Top 5 quốc gia có nhà cung ứng trên các trang của Alibaba chuyển hàng đến Trung Quốc là Nhật, Mỹ, Australia, Đức và Hàn Quốc. Trong khi đó, Nga, Hong Kong, Mỹ, Đài Loan và Australia là 5 thị trường mua hàng của nhà cung ứng nhiều nhất trên các website của Alibaba.

Tài sản của Jeff Bezos đã vượt mốc 100 tỷ USD

Tài sản của nhà sáng lập Amazon.com hồi cuối tháng 11 đã tăng lên mức 100,3 tỷ USD nhờ việc cổ phiếu hãng bán lẻ trực tuyến này tăng hơn 2%. Một trong những nguyên nhân cổ phiếu tăng giá là do nhà đầu tư lạc quan về doanh số bán hàng ngày Black Friday.

98,2 tỷ USD là tổng tài sản của Jeff Bezos tính đến ngày 23/12.

Cột mốc 100 tỷ USD giúp ông Bezos, 53 tuổi, trở thành tỷ phú sở hữu tài sản trăm tỷ USD đầu tiên kể từ năm 1999, khi nhà sáng lập Microsoft Bill Gates làm được điều này.

Tổng cộng trong năm nay, tài sản của Jeff Bezos đã tăng 32,6 tỷ USD – mức tăng lớn nhất trong số những tỷ phú có mặt tại bảng xếp hạng của Bloomberg.

Cơn chấn động mang tên "Hồ sơ Paradise"

Một năm sau vụ "Hồ sơ Panama" (Panama Papers), trong năm 2017 thế giới lại chấn động trước vụ rò rỉ mới nhất mang tên Paradise Papers (Hồ sơ Paradise), qua đó tiết lộ bí mật về cách thức mà giới siêu giàu sử dụng để cất giấu tài sản tại các "thiên đường thuế".

Paradise Papers gồm 13,4 triệu tài liệu, chủ yếu đến từ hãng luật Appleby, có trụ sở ở Bermuda. ICIJ đã công bố một số nhân vật giàu có và nổi tiếng nhất trong vụ Paradise Papers, bao gồm cả giới doanh nhân và chính trị.

"Hồ sơ Paradise" bao gồm cả giới doanh nhân, chính trị và nhiều tập đoàn nổi tiếng.

Hiện "Hồ sơ Paradise" đang được hơn 100 cơ quan truyền thông trên thế giới phối hợp khai thác, thông qua sự điều phối của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ).

Sau các tiết lộ về Hồ sơ Paradise, Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện quyết tâm công bố danh sách đen về các thiên đường thuế vào tháng 12 tới, dù vẫn tồn tại nhiều bất đồng về các biện pháp trừng phạt các nước không hợp tác.

Riêng Việt Nam có 13 công ty, 25 cá nhân và 20 địa chỉ được nhắc đến trong Hồ sơ Paradise.

Facebook cán mốc 2 tỷ người dùng

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đạt thêm một cột mốc quan trọng vào ngày 27/6. Số thành viên 2 tỷ của Facebook lớn hơn dân số của bất cứ quốc gia nào, cũng như lớn hơn 6 trong số 7 lục địa trên thế giới.

Theo CNN, Facebook đã mất gần 5 năm để đi từ 1 tỷ lên 2 tỷ người dùng hàng tháng.

Với con số này, Facebook vượt qua hàng loạt ứng dụng mạng xã hội khác như YouTube (1,5 tỷ người), WeChat (889 triệu người), Twitter (328 triệu người), Snapchat (225 triệu người).

Các ứng dụng khác của Facebook như WhatsApp, Facebook Messenger cũng đạt mốc hơn 1,2 tỷ người dùng hàng tháng. Ngoài ra, mạng xã hội Instagram thuộc Facebook hiện có khoảng 700 triệu người dùng hàng tháng.

Tổng thống Mỹ D.Trump ký Luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/12 đã ký ban hành luật cải cách thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Nội dung chính của luật cải cách thuế gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu, sửa đổi cách Mỹ tính thuế với các công ty đa quốc gia, giảm thuế cho chủ sở hữu các doanh nghiệp "truyền từ đời này sang đời khác".

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm bản cải cách thuế với chữ ký của ông tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng.

Đây là cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua ở Mỹ. Nó còn là chiến thắng lớn đầu tiên về lập pháp đối với phe Cộng hòa và Tổng thống Trump kể từ tháng một, giúp họ thực hiện cam kết đưa ra trong thời gian tranh cử tổng thống.

Đối tượng được cho là sẽ hưởng lợi từ lần cải cách thuế này bao gồm các tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu và một số người giàu có.

Dự luật gồm các điểm chính là giảm thuế cho tất cả các nhóm thu nhập từ năm 2018; giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 25%; rút gọn số mức thuế thu nhập; và đơn giản hóa các mã thuế. Sửa đổi này sẽ giúp giảm mức thuế thu nhập cá nhân từ mức cao nhất 39,6% xuống còn 35%.

Phó chủ tịch Samsung lĩnh án 5 năm tù vì hối lộ và khai man

Ông Lee Jae Yong, Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung ngày 25/8 đã bị kết án tù 5 năm với nhiều tội danh trong đó có đưa hối lộ và khai man liên quan đến bê bối khiến bà Park Geun Hye bị mất ghế tổng thống và vào tù.

Ông Lee là lãnh đạo đầu tiên của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc bị bắt trong một cuộc điều tra hình sự.

Ông Lee bị cáo buộc chi 43 tỷ won (gần 38 triệu USD) cho hai tổ chức phi lợi nhuận và một công ty của bà Choi Soon Sil, bạn thân bà Park, để được chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh. Ngoài ra ông còn bị cáo buộc biển thủ và giấu tài sản ở nước ngoài. Các công tố viên đề nghị mức án 12 năm tù giam với ông Lee.

Ông Lee là lãnh đạo đầu tiên của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc bị bắt trong một cuộc điều tra hình sự. Tòa án xử ông Lee cũng là nơi mà cha ông, cựu chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-Hee, từng bị kết tội trốn thuế và các tội danh khác vào năm 2008 nhưng được cho hưởng án treo.

Mặc dù vụ án của ông Lee dường như không ảnh hưởng mấy đến cổ phiếu của tập đoàn Samsung, tuy nhiên, theo giới chuyên môn, nó có thể làm dấy lên những lo ngại mới từ các nhà đầu tư.

Uber để lộ hơn 57 triệu thông tin người dùng

Uber đã phải đối mặt với một trong những vụ tấn công nghiêm trọng sau khi để lộ hơn 57 triệu thông tin người dùng bao gồm cả hành khách và người lái xe.

Hai hacker được cho là đã truy cập vào một kho lưu trữ cá nhân GitHub vốn được sử dụng bởi các kỹ sư phần mềm Uber , sau đó các công cụ này để bẻ khóa dịch vụ Amazon Web Services, từ đó lấy đi hàng triệu thông tin về người dùng và tài xế đang tham gia mạng lưới của Uber trên toàn cầu. Được biết, các thông tin bị lấy đi bao gồm tên, địa chỉ email, số điện thoại, số giấy phép lái xe của người lái.

Uber trả 100.000 USD cho hacker để che giấu thông tin.

Thay vì tiết lộ vụ tấn công ngay khi nhận được tin, ban lãnh đạo Uber đã chọn cách trả cho hacker số tiền được xác định là 100.000 USD để xóa dữ liệu và "giấu nhẹm" các thông tin liên quan.

Một số nghị sĩ Mỹ yêu cầu đưa vụ việc ra điều trần trước quốc hội và kêu gọi Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) vào cuộc. Tại Anh, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu đang làm việc với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước để điều tra. Bên cạnh đó, chính phủ Úc và Philippines thông báo sẽ điều tra cách Uber xử lý việc mất cắp dữ liệu.

Tencent trở thành công ty châu Á đầu tiên có giá trị hơn 500 tỷ USD

Giá trị vốn hóa thị trường của Tencent đạt mức 3,99 nghìn tỷ đô la Hồng Kông (510,7 tỷ USD) khi chốt phiên giao dịch ngày 20/11.

Công ty này vượt qua Alibaba (474,15 tỷ USD) trở thành công ty châu Á đầu tiên gia nhập "câu lạc bộ 500 tỷ USD" gồm có những ông lớn công nghệ Apple, Amazon và Facebook.

Tencent hiện là công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Giá cổ phiếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng doanh thu liên tục của Tencent, quy mô người dùng lớn và hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực mới. Tuần trước, công ty Trung Quốc báo cáo lợi nhuận ròng tăng 67% trong quý III, vượt qua kỳ vọng thị trường.

Tin mới lên