Virus Vũ Hán khiến Apple, Nike và các tập đoàn toàn cầu khốn đốn

Anh Đức - 07/02/2020 07:55 (GMT+7)

Hàng loạt tập đoàn toàn cầu như Apple, Hyundai và Walt Disney than thở dịch virus corona bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của họ.

VNF
Cảnh vắng vẻ trong một cửa hàng Apple Store ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images.

Theo South China Morning Post, dịch virus corona buộc chính quyền Trung Quốc đóng cửa hàng loạt trung tâm mua sắm, công viên, cửa hàng, nhà máy... khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng.

Trong nhiều năm qua, các công ty toàn cầu ngày càng dựa dẫm vào Trung Quốc, không chỉ với vai trò một trung tâm sản xuất quốc tế, mà còn là thị trường tiêu dùng lớn vào loại hàng đầu thế giới.

Ngày 5/2, hãng giày Nike của Mỹ cho biết khoảng 50% các cửa hàng của công ty này tại Trung Quốc đang tạm thời đóng cửa. Trong khi đó, các cửa hàng còn mở cửa đã rút ngắn giờ hoạt động và lượng khách sụt giảm đáng kể.

Nike thừa nhận tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hãng tại Trung Quốc trong thời gian trước mắt. Thị trường Trung Quốc đóng góp 17% doanh thu của Nike trong năm tài chính 2019. Năm 2019, khoảng 23% sản phẩm thương hiệu Nike được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Đóng cửa và hủy dịch vụ

Đến nay, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa ít nhất 15 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc - bao gồm tâm chấn là thành phố Vũ Hán, một trung tâm sản xuất và giao thông quan trọng - để ngăn chặn đại dịch lây lan.

“Chúng tôi dự báo dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng rõ rệt đối với kinh tế Trung Quốc và thị trường chứng khoán nước này trong quý 1/2020”, chuyên gia Bruce Pang thuộc China Renaissance Securities cho biết.

Cũng trong ngày 5/2, Walt Disney cho biết đã chuẩn bị đóng cửa các công viên giải trí tại Hong Kong và Thượng Hải tới 2 tháng. “Việc đóng cửa các công viên ở Thượng Hải và Hong Kong thời gian qua do dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh quý 2 và cả năm 2020”, Christine McCarthy, Giám đốc tài chính của Disney, cho biết.

Bà McCarthy than thở việc đóng cửa Shanghai Disney Resort ở Thượng Hải có thể khiến lợi nhuận hoạt động của công ty giảm khoảng 135 triệu USD trong quý 2 nếu tình trạng này kéo dài trong hai tháng.

Trong khi đó, Hong Kong Disneyland - vốn đã lao đao vì các cuộc biểu tình khiến lượng khách từ Trung Quốc đại lục và châu Á sụt giảm - cũng sẽ thiệt hại khoảng 145 triệu USD lợi nhuận trong quý.

Disney đã đóng cửa công viên giải trí tại cả Hong Kong và Thượng Hải. Ảnh: SCMP.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hãng hàng không, khách sạn và nhà hàng do người dân Trung Quốc hạn chế du lịch, mua sắm, ăn uống vì sợ nhiễm virus corona.

Cathay Pacific (Hong Kong) hôm 4/2 cho biết sẽ giảm 90% số chuyến bay tới Trung Quốc đại lục trong 2 tháng do lượng hành khách giảm tới một nửa những ngày gần đây.

Macau yêu cầu các sòng bạc đóng cửa trong 15 ngày, khiến cổ phiếu của các công ty như Melco International Development, MGM China và Wynn Macau tụt dốc trong phiên giao dịch ngày 4/2. Trong 4 ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý, lượng du khách tới Macau giảm tới 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất ngừng trệ

Tuần trước, chuỗi cà phê Mỹ Starbucks đóng cửa hơn 50% cửa hàng tại Trung Quốc. Đây là thị trường lớn nhất của hãng này bên ngoài Mỹ và điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của hãng.

Hôm 2/2, Haidilao International Holding, chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc, tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở tại Trung Quốc đại lục thêm một thời gian nữa.

Dịch virus corona cũng buộc rất nhiều nhà sản xuất phải hoãn mở cửa lại các nhà máy cho đến tuần tới. Sự ngừng trệ này đã bắt đầu ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuần trước, Apple đưa ra dự báo doanh thu với mức dao động lớn vì “những bất ổn liên quan tới tình trạng dịch bệnh ở Trung Quốc”. Hôm 1/2, "Táo khuyết" tuyên bố đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Trung Quốc đại lục tới ngày 9/2.

Starbucks đã đóng cửa 50% số cửa hàng của hãng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

CEO Apple Tim Cook cho biết hãng này đang lên kế hoạch nhằm bù đắp cho tình trạng sản lượng sụt giảm vì nhiều nhà máy của các nhà cung cấp ở Vũ Hán đóng cửa.

Trong khi đó, Foxconn Technology Group, nhà thầu lớn của Apple với nhiều nhà máy ở Vũ Hán, cho biết đã có các biện pháp để “đảm bảo có thể tiếp tục các nghĩa vụ về sản xuất trên toàn cầu”. Cũng giống nhiều nhà sản xuất khác, Foxconn chỉ có thể nối lại hoạt động của các nhà máy từ ngày 10/2.

Đầu tuần này, Tập đoàn ôtô Hyundai cho biết sẽ tạm thời đóng cửa các nhà máy ở Hàn Quốc do thiếu linh kiện từ Trung Quốc. Một số nhà sản xuất khác, từ Dongfeng Motors của Trung Quốc cho tới Renault của Pháp, đều đã kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc đại lục.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.