VND ‘vững giá’ trước cơn biến động của USD

Linh Anh - 27/08/2022 16:31 (GMT+7)

(VNF) - VND là đồng tiền mất giá ít nhất so với USD, tính từ đầu năm tới nay. Đồng VND đang có mức mất giá khoảng 2,48%.

VNF
Điều hành chủ động và thận trọng giúp VND ổn định trước USD.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, tính tới ngày 19/8, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 13,06% so với cuối năm 2021.

Đồng USD tăng nhanh khiến nhiều đồng tiền của các nước châu Á mất giá rất mạnh. Đơn cử, đồng Won của Hàn Quốc mất giá 10,33% YTD, đồng Nhân dân tệ mất giá 6,77%, Baht Thái mất giá 6,36%. Trong khi đó, đồng VND đang có mức mất giá khoảng 2,48%.

Trước đó, trong tháng 5, VND mất giá khoảng 1%. Trong tháng 6, VND tiếp tục mất giá thêm 0,4% so với đồng USD. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 6, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,0%.
"Theo rổ theo dõi của BVSC, đồng VND là đồng tiền mất giá ít nhất so với USD, tính từ đầu năm tới nay", các chuyên gia của BVSC nhận định.

BVSC đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay đã giúp cho đồng VND không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD.

Trong tuần vừa qua, chỉ số DXY tăng 2,4%, lên mức 108,17 điểm. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng vừa qua. BVSC đánh giá đồng bạc xanh có diễn biến tăng so với tất cả các đồng ngoại tệ khác trong rổ tính DXY. Cụ thể, đồng USD tăng lần lượt 2,59%, 2,55%, 2,16%, 3,73%, 1,63% và 1,83% so với các đồng JPY, GBP, EUR, SEK, CAD và CHF.

Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ là dự trữ ngoại hối và hút tiền trên thị trường mở để tác động lên thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, giúp kiềm chế áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới. 

VDSV nhận định biến động tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao cộng với rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Nếu cả hai điều này xảy ra và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không tăng mạnh lãi suất thì áp lực mất giá với tiền đồng cũng sẽ hạ nhiệt.

Theo VDSV, trong ngắn hạn, tỷ giá vẫn gặp nhiều áp lực khi chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn khá cao trong khi các cân đối vĩ mô như cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài không thực sự hỗ trợ. Vì thế, tỷ giá có thể tăng mạnh hơn mức kỳ vọng vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, tiền đồng chỉ mất giá khoảng 2-2,5% trong cả năm 2022. Có thể nói, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình.

Tỷ giá một số đồng tiền chủ chốt so với USD từ tháng 1/2022. (Ảnh: BVSC)

 

Hiện NHNN vẫn đang cố gắng duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Nhưng với áp lực lạm phát và tỷ giá như hiện nay, theo VDSC, NHNN sẽ cần thời gian quan sát thêm trước khi có quyết định nâng lãi suất điều hành.

Bên cạnh đó, việc NHNN giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay cũng giúp cho tiền đồng không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD.

IMF cho hay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tới cuối tháng 5/2022 đã giảm xuống còn 102,89 tỷ USD. So với cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 4,5 tỷ USD.

Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, mới đây cho biết, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND.

Để kìm hãm sự mất giá của tiền đồng, từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán ra khoảng 12-13 tỷ USD, tương đương hơn 11% so với mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1. Đồng thời, trong tháng 6, NHNN đã khởi động lại kênh hút tiền thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu. 

Dù liên tục hút ròng VND qua kênh bán ngoại tệ và thị trường mở nhưng chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nhu cầu nắm giữ đồng USD trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế ở các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong tuần vừa qua có diễn biến trái chiều.

Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 59 đồng, từ 23.153 VND/USD lên 23.212 VND/USD. Còn tỷ giá tại ngân hàng thương mại kết thúc tuần giảm mạnh.

Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 26/8), tỷ giá USD/VND tại Vietcombank giảm 20 đồng so với phiên liền trước, xuống mức giá 23.290 - 23.570 VND/USD (mua vào - bán ra).

Tương tự, tỷ giá USD/VND  tại Vietinbank giảm 19 đồng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với phiên trước đó, xuống còn 23.274 - 23.554 VND/USD.

Tỷ giá USD/VND tại ACB giảm 20 đồng ở mỗi chiều mua vào - bán ra, niêm yết USD ở mức 23.320 - 23.520 đồng.

Tại Eximbank, tỷ giá USD/VND cũng giảm 20 đồng, giá USD xuống là 23.310 - 23.530 VND/USD (mua vào - bán ra).

Tỷ giá USD/VND tại Techcombank giảm 12 đồng ở chiều mua và 16 đồng chiều bán so với trước đó, xuống mức giá 23.280 - 23.561 VND/USD.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.