VPBank ghi nhận tiền gửi tăng cao, tạo đà cho tăng trưởng quý IV

Hoàng Ngân - 08/11/2023 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Tăng trưởng huy động mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm, cùng dự báo áp lực chi phí vốn giảm và biên lãi ròng cải thiện trong quý IV, sẽ hậu thuẫn VPBank hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023.

VNF
VPBank ghi nhận tiền gửi tăng cao, tạo đà cho tăng trưởng quý IV

Huy động vượt trội

Trên nền lãi suất huy động hạ nhiệt nhanh chóng trong quý III, VPBank cho biết tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tiền gửi ổn định, làm nền tảng cho hoạt động cho vay được dự báo sẽ nhộn nhịp hơn trong quý cuối năm khi nhu cầu vay phục vụ sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng gia tăng.

Chia sẻ với các nhà đầu tư tại cuộc họp trực tuyến cập nhập kết quả kinh doanh hàng quý vừa qua, đại diện ngân hàng cho biết trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, tiền gửi của khách hàng và giấy tờ có giá tại ngân hàng mẹ trong 3 quý đầu năm vẫn đạt hơn 462 nghìn tỷ đồng, tăng gần 35% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi của VPBank đang cao hơn nhiều lần so trung bình ngành 5.9% ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 9.

Đáng chú ý, riêng khối khách hàng cá nhân (KHCN) ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm, nhờ chiến lược phủ phân khúc và chương trình “toàn dân huy động”, bên cạnh bộ sản phẩm tài khoản thanh toán chuyên biệt được đóng gói và may đo theo nhu cầu người dùng.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, trong đó, đạt tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank.

Cùng với hoạt động đẩy mạnh CASA, VPBank cho hay đã tăng cường khai thác nguồn vốn quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, qua đó hạ lãi suất cho vay, dẫn vốn vào nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng và các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của ngân hàng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nằm ở mức 26,6% tại thời điểm cuối tháng 9, dưới ngưỡng yêu cầu 34% của cơ quan điều hành (giảm xuống 30% bắt đầu từ ngày 1/10/2023).

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22% so với đầu năm, cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6.9% tại thời điểm cuối tháng 9. Tín dụng trong quý III đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… với khối chiến lược KHCN và SME đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.

Nhận định về tăng trưởng vượt trội của VPBank ở cả chiều huy động và cho vay, Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng hoạt động mở rộng kinh doanh sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược SMBC cùng các khoản vay huy động từ các tổ chức tín dụng quốc tế (như DFC với khoản vay 300 triệu USD), và hoạt động đầu tư mở rộng hệ sinh thái trong 2 năm vừa qua để xây dựng một cơ sở khách hàng đồ sộ là những yếu tố giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng cao so với các ngân hàng khác.

Theo chia sẻ từ đại diện ngân hàng, chi phí vốn (COF) của ngân hàng mẹ trong quý III, dù vẫn cao hơn so với cuối năm 2022, đã bắt đầu giảm nhẹ so với quý trước, ở mức 6,4% (quý II 6,6%). Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã giảm đáng kể và dự báo sẽ ổn định trong quý cuối năm khi nhà điều hành ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế, COF của ngân hàng mẹ dự báo sẽ tiếp tục giảm trong khi áp lực lên biên lãi ròng (NIM) sẽ được tháo gỡ trong quý IV.

Khi các áp lực về chi phí được dỡ bỏ, cùng nền tảng vốn mạnh được tăng cường sau thương vụ phát hành riêng lẻ, VPBank sẽ có nhiều dư địa và lợi thế cạnh tranh để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tín hiệu tích cực từ FE Credit

Đà tăng trưởng của VPBank được dự báo sẽ có thêm trợ lực từ hệ sinh thái các công ty thành viên, trong đó có FE Credit – khi ghi nhận lợi nhuận dương trong quý vừa qua.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo VPBank, thành quả ngược dòng chuyển lỗ thành lãi của FE Credit trong quý III cho thấy quá trình tái cấu trúc toàn diện được ngân hàng mẹ triển khai trong các tháng qua tại công ty tài chính tiêu dùng đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Lợi nhuận dương trong quý III có được, dù vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, là nhờ chiến dịch rà soát và điều chỉnh lại các chính sách tín dụng, mô hình đánh giá khách hàng và hoạt động thu hồi nợ, nhằm chọn lọc khách hàng có rủi ro ít để nâng cao chất lượng giải ngân.

Cùng với đó, FE Credit cho hay đã tiến hành cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy và tăng cường công nghệ trong nỗ lực vực dậy cánh tay tài chính tiêu dùng của VPBank trong sứ mệnh khai phá mảnh đất tài chính tiêu dùng còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

Sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ cùng đối tác chiến lược SMBC cũng đã góp phần cung cấp nguồn vốn vay chi phí rẻ giúp FE Credit củng cố thanh khoản, đẩy mạnh cho vay. Dư nợ cho vay của FE Credit trong quý III, theo đó, đã tăng 13% so với quý trước sau thời gian hạn chế giải ngân mới để bảo toàn chất lượng tài sản.

Mô hình tập đoàn được VPBank áp dụng trong quản lý hệ sinh thái đa tầng, hướng tới mục tiêu xây dựng một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, trên thực tế, đã mang lại thành quả khả quan khi không chỉ FE Credit tìm lại quỹ đạo tăng trưởng mà các công ty thành viên đang đóng góp tích cực vào bức tranh lợi nhuận chung.

Công ty chứng khoán VPBankS và công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES nằm trong hệ sinh thái của VPBank tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của ngân hàng trong quý III. Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm của 2 công ty con cùng ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 12.000 tỷ đồng – bám sát kế hoạch đặt ra cho quý III.

Lãnh đạo của VPBank cho biết tin tưởng ngân hàng mẹ và các công ty con, trên cơ sở kết quả đã đạt được, có thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm khi nền kinh tế tăng tốc bứt phát trong các tháng cuối năm.

FE Credit, dù khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra do khó khăn và thách thức vẫn còn, nhưng được kỳ vọng sẽ tìm lại hào quang tăng trưởng nhanh và mạnh trước đây khi phân khúc khách hàng chủ đạo là người lao động và người dân có thu nhập thấp có sự cải thiện trong thu nhập và việc làm khi các đơn hàng xuất khẩu tăng cao trong các tháng tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác