VPBank lộ kế hoạch nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém
Minh Anh -
08/04/2024 18:33 (GMT+7)
(VNF) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) công bố tài liệu phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, trong đó có nội dung nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc VPBank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Tài liệu tiết lộ sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng trên sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank làm chủ sở hữu.
Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của ngân hàng vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng không quá 5.000 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị VPBank sẽ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các công việc cần thiết để nhận chuyển giao bắt buộc, bao gồm: quyết định ngân hàng sẽ nhận theo phê duyệt; quyết định góp vốn điều lệ vào tổ chức tín dụng khi phù hợp và có phê duyệt; quyết định các phương án, biện pháp hỗ trợ… khi nhận chuyển giao; triển khai các công việc liên quan khác.
Ngoài ra, theo tờ trình tới đại hội, những cá nhân, đơn vị tham gia nhiệm vụ liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được miễn chịu trách nhiệm cá nhân (bao gồm nhưng không giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí phát sinh) trong trường hợp nhận chuyển giao bắt buộc không đạt mục tiêu hoặc xảy ra các rủi ro khách quan, tiềm ẩn.
Hiện thông tin cụ thể về tổ chức tín dụng yếu kém mà VPBank sắp tiếp nhận chuyển giao chưa được tiết lộ.
Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết VPBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém song vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai. Ông không tiết lộ đơn vị sẽ nhận chuyển giao.
Vào tháng 10/2023, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank, cũng tiết lộ ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.
Hiện ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu là Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CBBank), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Trước VPBank, Vietcombank, MB và HDBank cũng đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
Trong đó, CBBank có thể về với Vietcombank còn OceanBank đang nhận hỗ trợ từ MB. Như vậy rất có khả năng GPBank sẽ về chung nhà với VPBank.
Vào ngày 29/4 tới, VPBank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Trong năm nay, ngân hàng này lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến đạt 20.709 tỷ đồng, cao gấp 2,14 lần năm ngoái; lợi nhuận của công ty con - FE Credit là 1.200 tỷ đồng, so với mức lỗ 3.699 tỷ đồng trong năm ngoái; còn lại đến từ hãng Chứng khoán VPBank với 1.902 tỷ đồng (tăng 52%) và hãng Bảo hiểm OPES với 873 tỷ đồng (tăng gấp 5,6 lần).
Ngân hàng VPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản hợp nhất trong năm nay ở mức 19%, đạt 974.270 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng trưởng 22%, đạt 598.864 tỷ đồng; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 3%.
(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.