Xe đạp 3D của Lê Diệp Kiều Trang và những cái chết của startup Việt
Mai Lý -
05/07/2023 14:23 (GMT+7)
(VNF) - Dù có khởi đầu ấn tượng với số vốn kêu gọi được lên tới hàng triệu USD nhưng những startup từng được kỳ vọng một thời như dự án sản xuất xe đạp 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang, WeFit hay Propzy lại cùng chung cái kết thất bại.
Những khởi đầu đầy triển vọng
Trong những ngày qua, sự thất bại của dự án sản xuất xe đạp 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đang trở thành điểm nóng trên nhiều diễn đàn. Arevo – công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới, từng là tâm điểm của giới startup khi gọi vốn thành công 32 triệu USD từ cộng đồng và các nhà đầu tư trong thời gian ngắn.
Arevo sản xuất xe đạp in 3D với khung xe Superstrata nặng chưa tới 1,3 kg nhưng có độ cứng gấp 61 lần thép và 15 lần titanium. Xe đạp do Arevo phát triển được bán ra với giá từ 2.800 USD – 3.500 USD.
Tuy nhiên, sản phẩm xe đạp in 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang không nhận được đánh giá tích cực từ phía người mua do thời gian giao hàng quá lâu và chất lượng sản phẩm còn kém. Dự án Arevo chấm dứt hoạt động trong khi những lùm xùm đấu tố giữa người mua và bà Lê Diệp Kiều Trang vẫn chưa được giải quyết.
Không chỉ Arevo, nhiều startup Việt cũng sớm "chết yểu" dù gọi vốn được cả triệu USD. Từng nuôi tham vọng “kỳ lân”, Propzy – startup tiên phong trong lĩnh vực protech, cũng ngậm ngùi đóng cửa sau 5 năm. Propzy được thành lập vào năm 2016, hoạt động trên nền tảng end-to-end để cung cấp một môi trường an toàn cho hoạt động mua, bán và cho thuê bất động sản. Propzy từng nhận được 25 triệu USD tiền đầu tư ở vòng Series A vào tháng 6/2020 và 37 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn.
Kể từ khi ra mắt, Propzy đã thực hiện số lượng giao dịch bất động sản trị giá hơn 1 tỷ USD và trở thành nền tảng giao dịch bất động sản ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Thế nhưng vào tháng 6/2022, Propzy sa thải 50% nhân sư, đóng cửa toàn bộ trung tâm giao dịch và tái cấu trúc hoạt động. 3 tháng sau, CEO của Propzy chính thức thông báo đóng cửa và ngừng hoạt động.
Một startup công nghệ khác là WeFit cũng ngậm ngùi chịu chung số phận với Propzy. Propzy là ứng dụng kết nối các phòng tập gym, yoga, boxing…với khách hàng nhằm giúp họ có thể tập luyện ở mọi lúc, mọi nơi. Theo đó, khách hàng sẽ mua gói thành viên trong kỳ hạn từ 1 tháng đến 2 năm để được sử dụng dịch vụ của tất cả các phòng tập, cơ sở trong danh sách đối tác của WeFit với số lần không giới hạn.
WeFit từng được định vị là Uber của giới Fitness. Vào năm 2019, WeFit kêu gọi được 1 triệu USD từ CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư hạt giống khác. Trong thời gian còn hoạt động, WeFit từng chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 40% mỗi tháng.
Do nhiều yếu tố, hoạt động của WeFit gặp nhiều khó khăn và vào tháng 5/2020, WeFit chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Startup từng được định vị là Uber của giới Fitness chính thức đi vào dĩ vãng.
Vì đâu "chết yểu'?
Đều có những khởi đầu ấn tượng và số vốn đầu tư “mơ ước” nhưng tất cả những startup kể trên lại sớm “ngã ngựa” chỉ sau vài năm phát triển. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các dự án startup này thất bại?
Nguyên nhân khách quan là do đại dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng. Chia sẻ với báo Thanh Niên, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết Arevo đã gặp khó khăn khi tìm đơn vị gia công do các công ty này đóng cửa gần hết sau dịch Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sản phẩm khiến nhiều mẫu xe đạp in 3D của Arevo không được như kỳ vọng.
Trong bức thư thông báo về quyết định đóng cửa, CEO của Propzy thừa nhận tình trạng đại dịch Covid-19 kéo dài cộng với sự bất ổn của nền tài chính toàn cầu do cuộc chiến Nga – Ukaraine gây ra đã khiến những nỗ lực phát triển kinh doanh của startup này bị tổn thất đáng kể.
“Khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn”, CEO của Onaclover – công ty chủ quản hệ thống WeFit, cho hay.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 chỉ là “giọt nước làm tràn ly” chứ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến “cái chết” của những startup này. Việc “bành trướng” vội, đi quá nhanh trong khi các doanh nghiệp startup chưa có định hướng lâu dài và quy trình phát triển cụ thể đã khiến họ thất bại.
Đơn cử như Propzy, với tham vọng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ bất động sản, công ty đã mở rộng đội ngũ nhân sự từ 200 lên 800 người với hơn 22 trung tâm giao dịch khắp TP. HCM. Ông Long Leo Phạm – cựu quản lý đầu tư tại Access Ventures, từng nhận định rằng Propzy thất bại vì đi quá nhanh so với hiểu biết của bản thân, giống như em bé “chưa học bò đã lo học chạy”.
Trong khi đó, WeFit lại quá “tham” khi triển khai nhiều dịch vụ luyện tập, bơi và làm đẹp. Chưa kể startup này còn phạm sai lầm khi liên tục mở rộng mạng lưới đối tác khiến chi phí kinh doanh bị đội lên nhiều lần. Do phát triển quá nhanh, WeFit không kịp thời phát hiện ra những “hạt sạn” trong kinh doanh như việc có người dùng chung 1 tài khoản và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Các startup còn tự “lấy đá đập vào chân mình” khi “đốt tiền” quá nhiều vào các hoạt động, chương trình thu hút người tiêu dùng. Người dùng của WeFit được tặng 3 – 4 buổi spa miễn phí/tháng hay tập không giới hạn trong 3 tháng chỉ với 2,6 triệu đồng. Ngoài ra, những khách hàng đăng ký trong thời gian ưu đãi còn được tặng túi thể thao đựng đồ tập.
Khi WeFit nhận ra sai lầm và “thắt chặt” ưu đãi, startup này đã bị nhiều người dùng quay lưng và tố là “lừa đảo”. Hay như Propzy đã huy động được tổng cộng 25 triệu USD tiền vốn vào giữa năm 2020 nhưng chỉ sau 2 năm, startup này đã cạn tiền vì vung tay quá trán.
Hệ lụy và bài học
Sự sụp đổ của những startup này khiến nhiều người dùng “lao đao”. Các khách hàng mua xe đạp in 3D của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang chỉ biết than trời khi không thể liên hệ được với bên công ty để khắc phục những vấn đề như giao chậm xe hay sửa chữa xe.
Hàng trăm đối tác, khách hàng của WeFit cũng bức xúc khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng sau khi startup này dừng hoạt động. Những khách hàng bỏ ra cả chục triệu đồng để mua thẻ tập với thời gian lên tới vài năm loay hoay tìm cách để quyền lợi của mình được đảm bảo. Trái lại, nhiều phòng tập, spa cũng bị WeFit nợ tiền lên tới cả trăm triệu đồng.
Khi quyền lợi của khách hàng, người tham gia và cả các nhà đầu tư vẫn còn đang bị bỏ ngỏ thì các startup “trăm lần như một” chỉ biết nói: “Chúng tôi đang cố tìm ra giải pháp thỏa thuận tốt nhất”.
Tại Việt Nam, các chế tài về trách nhiệm pháp lý phát sinh trong trường hợp startup phá sản, giải thể vẫn chưa được hoàn thiện. Để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên liên quan cần chủ động xây dựng hệ thống các quy chế, chính sách hoạt động cũng như có cam kết rõ ràng nhằm phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.