Xóa bỏ tư duy cũ, thu tiền tỷ nhờ thương mại điện tử
Nam Phương -
10/10/2022 13:25 (GMT+7)
(VNF) - Kinh doanh online đang là xu thế hiện nay của người tiêu dùng, từ các mặt hàng điện tử, công nghệ cho đến hàng tiêu dùng đều có thể giao dịch thuận tiện qua internet. Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng mức hai con số trong nhiều năm qua.
Doanh nhân công nghệ - điểm sáng kinh doanh online
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, giá trị thương mại điện tử ở Đông Nam Á tăng 24 lần trong 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021; dự kiến đạt 234 tỷ USD năm 2025. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng vượt trội, đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam nằm trong Top 3 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang các nền tảng trực tuyến, đồng thời tạo ra tầng lớp doanh nhân mới, doanh nhân công nghệ.
Nếu như cách đây 5 năm, giới doanh nhân cho rằng, bán hàng online được xem là một nghề tay trái thì hiện nay, đây lại là nguồn thu nhập chính. Có những doanh nhân thu nhập cả trăm tỷ đồng, nộp thuế hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Xuân Thành, một doanh nhân bên ngành máy tính cho biết, bán hàng qua kênh trực tuyến giúp anh tăng gấp đôi doanh thu so với việc mở mạng lưới cửa hàng trước đây.
“Ban đầu tôi không có kỳ vọng nhiều do đó tiếp cận khá thụ động. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi số, doanh thu đã đạt những kết quả rất bất ngờ. Có những ngày đơn hàng lên đến 20 bộ máy tính một ngày. Trước đây, tôi cần một quá trình rất dài để đạt được kết quả như vậy, nhưng nay giao dịch online lại đạt được kết quả rất nhanh”, anh Thành chia sẻ thêm.
Anh Nguyễn Trung Kiên, tốt nghiệp khoa CNTT tại một trường đại học, quyết định chuyển nghề sang kinh doanh sản phẩm túi ngủ khi thị trường online bắt đầu “nhen nhóm”. Anh Kiên cho biết, từ năm 2017, anh đã đầu tư thời gian, công sức vào việc nghiên cứu sự phát triển của thương mại điện tử và cách vận hành của các nhà bán hàng trên sàn. Song song với đó, anh chuyển các mặt hàng sang bán trên các sàn này. Có chuyên môn về CNTT nên anh áp dụng ngay việc chạy SEO Google cho kế hoạch của mình.
”Vì đơn hàng về liên tục, mỗi ngày bình quân 100 – 200 đơn. Có thời điểm, túi ngủ cán mốc 2.700 đơn/ngày. Tôi mất 3 ngày mới xong hết số hàng trong toàn bộ chiến dịch kích cầu của sàn trong ngày hôm đó. Sau 6 tháng, tôi mua được chiếc ô tô và sau 1 năm, tôi đã mua được nhà", anh Kiên hồ hởi cho biết.
”Doanh nhân công nghệ ngày nay đã xoá bỏ những suy nghĩ cũ về kinh doanh online và thể hiện vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Tôi tin rằng sự ghi nhận này sẽ trở thành động lực to lớn để anh em doanh nhân công nghệ tiếp tục nỗ lực và đóng góp cho sự phát triển của cồng đồng, xã hội”, đại diện bán hàng của một sàn thương mại điện tử cho biết.
Sàn “thúc” thị trường tăng trưởng nóng
So với thời điểm sơ khai, sàn thương mại điện tử thương mại hiện nay thu hút đa dạng các ngành hàng trên mọi lĩnh vực. Trước kia, người mua và người bán có tâm lý dè chừng, chỉ xoay quanh một số sản phẩm thuộc một số ngành hàng nhất định. Giờ đây, họ giao dịch nhiều hơn, không chỉ là sản phẩm số, thời trang, sách báo mà còn cả các sản phẩm bảo hiểm, hoặc các chương trình học trực tuyến và trong tương lai là các dịch vụ tài chính. Tần suất giao dịch của người dùng cũng cao hơn, từ vài đơn lên hàng chục đơn một tháng.
Theo các chuyên gia, sự khác biệt cơ bản giữa thương mại trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) chính là trải nghiệm và kết nối. Không giống với giao dịch ngoại tuyến, môi trường trực tuyến có đa dạng các hình thức để xây dựng “kết nối ảo” như: livestream, đánh giá sản phẩm thực tế… do đó cần có những chiến lược khác biệt để “thúc” lĩnh vực này tăng trưởng.
Hệ sinh thái đa dạng với nhiều hình thức tiếp cần người tiêu dùng đang cạnh tranh quyết liệt với thị trường thương mại truyền thống
Bà Phạm Nguyễn Anh Thư, Giám đốc hỗ trợ bán hàng của Lazada Việt Nam, cho rằng: “Giao dịch online rất chú trọng đầu tư vào hạ tầng và nâng cao chất lượng mạng lưới. Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng về hệ sinh thái và thương mại điện tử, giúp cải tiến trải nghiệp của người dùng, có thể giúp chuyển đổi số cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp hơn”.
Chọn giải pháp khác biệt, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo, cho biết: “Trong khi các đơn vị khác chọn đầu tư vào kho bãi, đội ngũ vận chuyển thì chúng tôi chọn phát triển một nền tảng kết nối các bên lại với nhau, hay còn gọi là mô hình C2C, khách hàng đến khách hàng. Ví dụ như, Sendo không đầu tư vào kho bãi, nhưng có thể hợp tác với các đơn vị đã có lợi thế về kho bãi bài bản, chuyên nghiệp để phục vụ cho khách hàng”.
“Có thể nói, khi khách hàng muốn mua món hàng, chúng tôi sẽ vận chuyển đến họ các thông tin cần thiết và chính xác về dịch vụ, sản phẩm, đơn vị giao nhận, cách thức thanh toán… để đảm bảo rằng trải nghiệm mua hàng là dễ dàng, thuận tiện nhất, ông Linh cho biết thêm.
Với việc liên tục duy trì tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh trực tuyến ngày càng minh bạch, các doanh nhân công nghệ và các sàn thương mại điện tử vừa luôn chủ động thích nghi với thị trường nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định, chính sách của pháp luật. Kỳ vọng sắp tới, trong thời đại nghệ số, thương mại điện tử sẽ ngày càng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.