Tài chính

Chùm đại án OceanBank – PVN – PVC: Vẫn chuyện tính toán thiệt hại

(VNF) – Ở cả đại án PVN – PVC lần này cũng như đại án OceanBank lần trước, vấn đề tính toán thiệt hại đều gây ra tranh cãi nảy lửa, nhiều ý kiến cho rằng cách tính toán thiệt hại có phần chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế.

Chùm đại án OceanBank – PVN – PVC: Vẫn chuyện tính toán thiệt hại

Vấn đề tính toán thiệt hại gây ra nhiều tranh cãi ở cả đại án PVN - PVC lẫn đại án OceanBank

Nguyễn Xuân Sơn – bị cáo nhận án tử hình trong đại án OceanBank cách đây chưa đầy 4 tháng – lại vừa xuất hiện trong một đại án khác: đại án PVN – PVC. Nhưng khác với lần trước trong vai trò là người liên quan trực tiếp trong việc chi sai gây thiệt hại cho OceanBank, hôm nay (10/1), Nguyễn Xuân Sơn xuất hiện với vai trò là người giải đáp thắc mắc về việc chi sai gây thiệt hại cho PVC (theo đề nghị của luật sự Phạm Công Hùng bởi ông Sơn là phụ trách tài chính PVN thời điểm đó nên phần nào am hiểu vấn đề).

Theo cáo trạng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã sử dụng 1.115 tỷ đồng từ khoản tạm ứng từ PVN không đúng mục đích (không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2), gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hơn một nửa khoản thiệt hại này (68 tỷ đồng) theo kết quả giám định của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thiệt hại tiền lãi, được tính dựa trên lãi suất huy động vốn của các ngân hàng tại thời điểm đó, không phải là thiệt hại tiền gốc (toàn bộ tiền gốc 1.115 tỷ đồng đã được thu hồi).

Trả lời về các căn cứ kết luận thiệt hại, giám định viên cho hay bản giám định căn cứ vào Điều 72 Luật Doanh nghiệp, Nghị định 142Khoản 6 Điều 17 Nghị định 48.

Khi được luật sư Phạm Công Hùng hỏi về việc 3 căn cứ trên có tính ra được thiệt hại không, ông Nguyễn Xuân Sơn đồng loạt khẳng định rằng không có căn cứ.

Sau đại án OceanBank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục hầu tòa trong đại án PVN - PVC

Thực tế, qua tìm hiểu, Điều 72 Luật Doanh nghiệp, Nghị định 142 về Ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Khoản 6 Điều 17 Nghị định 48 về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng đều không đề cập cụ thể đến việc tính toán thiệt hại nói chung và việc sử dụng lãi suất ngân hàng để tính toán thiệt hại nói riêng.

Vậy vì sao giám định viên các Bộ lấy lãi suất ngân hàng để tính toán thiệt hại?

Có 2 quan điểm có thể dẫn tới lựa chọn này. Quan điểm thứ nhất là 1.115 tỷ đồng tiền tạm ứng được chuyển vào tài khoản ngân hàng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm hưởng tiền lãi từ việc tiền gửi 1.115 tỷ trên vào tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên quan điểm này bị Nguyễn Xuân Sơn phản bác trong phiên tòa hôm qua (9/1). Bị cáo Sơn khẳng định tiền này để trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiền gửi.

Bị cáo Sơn cũng khẳng định tài khoản thanh toán thì lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tài khoản tiền gửi. Cụ thể, lãi suất với đồng USD là khoảng 0,2% còn tiền Việt Nam là 2%; trong khi đó lãi suất tiền gửi là từ 12% trở lên.

Quan điểm thứ hai là khoản thiệt hại trên không phải xảy ra trên thực tế mà là thiệt hại mang tính "trừu tượng", hay gọi đúng hơn là chi phí cơ hội.

Nói nôm na, nếu Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115 tỷ đồng trên theo cách an toàn nhất là gửi tiền vào ngân hàng thì tối thiểu sẽ thu về 68 tỷ đồng; con số 68 tỷ đồng theo đó được xác định là số tiền tối thiểu thu được từ khoản đầu tư 1.115 tỷ. Thế nhưng trên thực tế, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115 tỷ trên nhưng chỉ thu hồi được gốc, không có lãi, đồng nghĩa là làm mất cơ hội có được 68 tỷ đồng.

Quan điểm tính toán này cũng bị Nguyễn Xuân Sơn phản bác, cho rằng xác định thiệt hại như trên là không đúng với bản chất kinh tế.

Đây không phải lần đầu tiên việc tính toán thiệt hại rơi vào tranh cãi khi xét xử đại án kinh tế. Ở đại án OceanBank, số tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài cũng bị kết luận là thiệt hại trong khi về bản chất kinh tế, có thể hiểu đây là chi phí huy động vốn.

"Khoản chi phí 1.576 tỷ đồng mà xét là thiệt hại là không thể chấp nhận. OceanBank là đơn vị kinh doanh, nếu xét khoản chi này là thiệt hại thì nên xem xét lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng là từ đâu? Tại sao đưa ra kết luận thiệt hại chỉ xem xét đến chi phí? Bị cáo không thấy thỏa đáng và không đồng ý. Oceanbank cần xem xét lại cho các bị cáo về các nguồn thu, trong đó có cả công sức của các bị cáo ngồi đây liệu có thỏa đáng không", bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng, Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch Oceanbank) tỏ ra rất bức xúc tại một phiên xét xử đại án OceanBank.

Thực tế, nếu khoản chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng trên mà giúp đem lại thêm một khoản thu lớn hơn hoặc bằng 1.576 tỷ đồng thì về bản chất kinh tế là không có thiệt hại. Thời điểm phiên xử đại án OceanBank diễn ra, nhiều bị cáo tỏ ra bức xúc một phần vì OceanBank "giữa năm bị mua 0 đồng, cuối năm báo lãi 1.000 tỷ". Nhiều người đặt câu hỏi rằng nếu OceanBank không chi lãi ngoài thì liệu OceanBank có lãi được tới 1.000 tỷ không? Thậm chí có thể lỗ?

Tin mới lên