Đà tăng suốt 20 năm của tiền tệ châu Á đã đến hồi kết?

Hoàng Quân - 06/03/2018 15:55 (GMT+7)

(VNF) - Tiền tệ châu Á có thể đang bên bờ vực của một sự điều chỉnh sau khi hoàn thành kỷ lục tăng trưởng mạnh nhất trong hai thập kỷ. Đồng Rupiah của Indonesia đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.

VNF
Đồng rupiah giảm mạnh báo hiệu tương lai không mấy tốt đẹp của tiền tệ châu Á

Đồng Rupiah của Indonesia được xem như là "người tiên phong" của châu Á với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong thị trường trái phiếu nước này. Đồng tiền này thường được bán đầu tiên khi có những thông tin không mấy tốt đẹp và điều này thường báo hiệu một sự sụt giảm lớn hơn của các đồng tiền khác.

Đồng Rupiah đã giảm 1,5% trong tháng vừa qua, mức tồi tệ nhất ở châu Á và tệ thứ 3 trong số 24 loại tiền tệ của các thị trường mới nổi trên toàn thế giới. Đồng Rupiah giảm khi các nhà đầu tư ở nước ngoài bắt đầu bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của Indonesia. Cùng thời điểm, sự biến động của thị trường chứng khoán cũng tăng lên do kỳ vọng lãi suất ở Mỹ.

Vishnu Varathan, người đứng đầu mảng kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank Ltd, Singapore, cho biết: "Đồng rupiah sụt giảm không phải là không có lý do. Đây là kết quả từ sự hoài nghi của nhà đầu tư về rủi ro thương mại toàn cầu. Do vậy thanh khoản toàn cầu sẽ bắt đầu giảm vào cuối năm nay".

Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index theo dõi 10 đồng tiền của khu vực Châu Á so với đồng bạc xanh USD đã tăng 6,7% trong năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.

Sự sụt giảm của đồng rupiah thường báo trước những tổn thất của những đồng tiền khác của châu Á. Vào tháng 1 năm 2016, chỉ số Asia Dollar Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm, vài tháng sau khi đồng rupiah sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. Nếu đồng rupiah thực sự là "chim hoàng yến trong mỏ than", đồng tiền này có thể sẽ tiếp tục "hi sinh" trước để báo hiệu cho các "đồng nghiệp" của mình.

Các loại tiền tệ trong khu vực Châu Á có thể bị ảnh hưởng khi đồng USD phục hồi. Đồng bạc xanh đã tăng điểm kể từ khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra những lời phát biểu tích cực hồi tuần trước. Sự thừa nhận của ông về sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã thúc đẩy các dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất gấp 4 lần trong năm nay.

Theo dữ liệu của Fed, các quỹ toàn cầu đã thu về 1,02 tỷ USD từ trái phiếu Indonesia trong tuần qua, dòng tiền chảy ra lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2016. Cùng thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán ra 186 triệu USD cổ phiếu các công ty Indonesia.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các đồng tiền châu Á đã bắt đầu suy yếu, trong đó đồng peso của Philipin trong tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2006.

>>> Xem thêm: Tin forex mới nhất 2018

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác