Doanh nghiệp

Hiểu và kiên trì khi làm ăn với thị trường Myanmar

(VNF) - Giữa tháng 11/2014, trong khuôn khổ hội chợ thương mại hàng Việt Nam tại Myanmar, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức tọa đàm cho các doanh nhân Việt Nam tìm hiểu thị trường và môi trường kinh doanh - đầu tư của Myanmar.

Hiểu và kiên trì khi làm ăn với thị trường Myanmar

TP Yangon - Myanmar (Ảnh TTXVN)

Tuy đã có nhiều cải cách thể chế chính trị, sửa đổi, bổ sung các bộ luật và mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ý kiến của nhiều chuyên gia cho thấy, doanh nghiệp Việt sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại khi đầu tư sang quốc gia này.

11 lĩnh vực được "bảo hộ"

Ông U Myo Min Htwe - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn WIN Consulting, một trong những công ty tư vấn luật hàng đầu Myanmar cho biết, có hai mô hình phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường này, gồm thành lập công ty hoặc mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Trường hợp thành lập công ty thì có hai lựa chọn là 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với tổ chức, cá nhân của Myanmar. Tỷ lệ góp vốn tùy theo mô hình kinh doanh và thương lượng với nhà đầu tư của nước sở tại, để không bị từ chối khi xin cấp phép đầu tư.

Theo ông U Myo Min Htwe, Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar có sự phân biệt giữa công ty với chi nhánh, văn phòng đại diện (không được kinh doanh). Việc thành lập công ty phải có ít nhất 150.000 USD tiền mặt hoặc ngoại tệ, và được ưu đãi về thuế trong 5 năm đầu, các năm sau tiếp tục được miễn, giảm tuế tùy loại hình kinh doanh.

Ngược lại, với vốn đầu tư thấp hơn, khoảng 50.000 USD hoặc quy mô đầu tư nhỏ thì không cần đăng ký với cơ quan đầu tư nước ngoài mà hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, ví dụ như doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ, tư vấn kỹ thuật.

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Myanmar là 25%; nếu doanh nghiệp tái đầu tư lợi nhuận có được trong vòng một năm thì tiếp tục được miễn thuế; thuế lợi tức có sự khác nhau giữa công ty và chi nhánh, văn phòng đại diện; công ty đăng ký theo Luật Đầu tư nước ngoài có quyền phát hành cổ phiếu, riêng với chi nhánh, văn phòng đại diện thì không được phép.

Nếu thành lập công ty thì chịu sự điều chỉnh của Luật Đoanh nghiệp và Luật Đầu tư nước ngoài, còn công ty liên doanh với nhà nước thì áp dụng một số bộ luật đặc biệt khác.

Ngoài ra, chính quyền Myanmar cũng "bảo hộ" cho một số ngành nghề, lĩnh vực mà chỉ doanh nghiệp Myanmar mới được phép kinh doanh. Ông U Myo Min Htwe cho biết, có 11 hoạt động kinh tế cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, một số trường hợp đặc biệt cần liên doanh, thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tối đa 80% vốn đầu tư.

Mặt khác, hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp lớn của các nước khi đầu tư và xúc tiến thương mại vào thị trường này.

Chi phí đầu tư cao

Theo ông Vũ Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar, hệ thống pháp luật của Myanmar được kế thừa từ thời còn là thuộc địa của Anh, nền kinh tế từng trải qua giai đoạn phát triển tốt nên hệ thống pháp luật khá chặt chẽ và đầy đủ.

Tốc độ phát triển kinh tế của Myanmar thời gian qua diễn ra rất nhanh, do thực hiện chính trị để cải tổ kinh tế, và Chính phủ có quyết tâm rất cao. Myanmar cũng có nhiều doanh nghiệp tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Cường nhận định, có nhiều khó khăn nếu doanh nghiệp Việt muốn đầu tư vào thị trường này, đơn cử là chi phí bất động sản còn quá cao, giá thuê văn phòng loại A từ 80 – 100 USD/m2, căn hộ cao cấp từ 5.000 – 6.000 USD, trả tiền trước một năm.

Cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện, có tình trạng cúp điện ở bên ngoài khu công nghiệp; hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp, nên chi phí vận tải còn cao so với các nước trong khu vực và Việt Nam.

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác như thiếu công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý cấp trung, dù có nhiều cải cách về luật chưa vẫn theo kịp nhu cầu thực tế, bộ máy hành chính cần mất nhiều thời gian để hiểu các luật mới.

Ông Cường nhấn mạnh, không hẳn bất kỳ hàng hóa gì của Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar cũng phù hợp, và doanh nghiệp Myanmar không thiếu kinh nghiệm kinh doanh với nước ngoài.

Khác với Việt Nam, nhà đầu tư vào Myanmar phải chủ động tìm hiểu lĩnh vực đầu tư mình quan tâm dựa trên thế mạnh nội lực, thu thập dữ liệu và xây dựng dự án đầu tư, sau đó mới tiếp cận chính quyền địa phương.

Ông Cường lưu ý, việc đầu tư sang Myanmar phải có chiến lược trung và dài hạn, những dự án kinh doanh muốn thu lợi nhuận trong ngắn hạn thì không thể hoạt động tại đây.

Cụ thể, với dự án xử lý rác thải công nghệ cao, theo ông Cường, nếu doanh nghiệp Việt muốn đầu tư vào Myanmar thì chỉ được ưu đãi chung như các dự án khác theo Luật Đầu tư nước ngoài nhưng Chính phủ có thể linh động trong việc cấp phép đầu tư và cấp đất.

Mặt khác, do Myanmar theo thể chế liên bang, nên chủ đầu tư cần xúc tiến dự án với chính quyền địa phương để thỏa thuận về chính sách ưu đãi riêng của địa phương đó, hoặc có thể hợp tác, thành lập liên doanh với chính quyền địa phương để hưởng ưu đãi. Mức ưu đãi này tùy quy mô dự án, công nghệ, và khả năng chuyển giao công nghệ.

Myanmar có chính sách cho thuê đất dài hạn làm nhà máy sản xuất lên đến 70 năm, gồm thuê tối đa 50 năm, và gia hạn hai lần sau đó, mỗi lần 10 năm. Tuy nhiên, theo ông Cường, rất khó để có thể thuê đất dài hạn, mà chỉ ký mỗi 5 năm một lần bởi giá bất động sản khá cao.

Tại Yangon, đất trống trong khu công nghiệp (do chính quyền địa phương quản lý, có điện nước) có giá tối thiểu 5 USD/m2/năm, trả tiền trước từng năm một, giá thuê đất tăng mỗi 5 năm một lần với mức tăng tối thiểu 5%, không giới hạn tối thiểu hoặc tối đa số mét vuông đất thuê. Mức giá này cũng căn cứ vào từng dự án đầu tư, quy mô đầu tư, số diện tích đất cần thuê và hình thức hợp tác, kinh doanh.

Nhân dịp này, đoàn doanh nghiệp Việt Nam do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức đã thăm dự án đầu tư của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, tham dự Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam 2014 tại Yangon.

Tin mới lên