Công nghệ

Giám đốc quỹ khởi nghiệp: 'Việt Nam có ít startup đúng nghĩa'

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, Việt Nam có ít startup đúng nghĩa. Hiện nước ta đang có trào lưu "bê" startup nước ngoài về rồi cắt gọt đi cho phù hợp với Việt Nam. Tuy cũng có kết quả nhất định nhưng không phải sự đổi mới sáng tạo gì.

Giám đốc quỹ khởi nghiệp: 'Việt Nam có ít startup đúng nghĩa'

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Doanh nghiệp cùng ký kết hợp tác hỗ trợ Khởi nghiệp giai đoạn 2018-2020. (Ảnh: Hồng Vân)

Trong phiên thảo luận Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp - Giải pháp từ thực tiễn diễn ra ngày 24/4, ông Hiếu cho rằng, nếu doanh nghiệp (DN) chỉ trồng một cây gì đó, nuôi một con gì đó theo lối mòn thì chưa được gọi là startup vì chưa có tính đột phá và chưa đem lại lợi nhuận cao trong một khoảng thời gian ngắn.

"Việt Nam cũng đã có những startup gọi được vốn từ nhà đầu tư nước ngoài nhưng tôi cũng chỉ thấy toàn là sao chép", ông Hiếu thẳng thắn nói.

Cụ thể, Giám đốc quỹ khởi nghiệp cho rằng, hiện nước ta đang có trào lưu "bê" startup nước ngoài về rồi cắt gọt đi cho phù hợp với Việt Nam. Tuy cũng có kết quả nhất định nhưng không phải sự đổi mới sáng tạo gì.

"Đó chỉ là nhìn thấy rồi mô phỏng theo. Theo tôi, bắt chước sự sáng tạo của người khác đã không phải sáng tạo rồi. Tạo ra môi trường sáng tạo mới là việc quan trọng hơn", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, những DN bắt chước startup nước ngoài thì giai đoạn đầu có thể thành công nhưng về lâu về dài thì sẽ tụt hậu.

Đặc biệt là trong quá trình hội nhập, khi DN nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, DN sao chép đó sẽ không thể cạnh tranh được khi DN nước ngoài đã có thời gian phát triển, mạng lưới quan hệ, đối tác rộng khắp thì startup bắt chước đó sẽ mất dần thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Đông tình với ông Hiếu, ông Hoàng Xuân Hoà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: "Hiện các startup chỉ tập trung ở một số ngành nghề. Đồng thời ít hướng tới các sản phẩm sáng tạo mang tính đột phát. Đây là một khó khăn để phát triển startup Việt Nam mang tính bền vững".

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cũng khẳng định, tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam cũng không thua kém so với thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và đưa ra mô hình kinh doanh đúng thì Việt Nam lại nằm 20 nước xếp cuối bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tại phiên thảo luận, ông Từ Minh Hiệu, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ cũng cho rằng, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao mà là giải quyết những vấn đề đời sống nhất, thiết thực nhất.

"Khởi nghiệp tại nước ta vẫn còn nằm trong giai đoạn mới bắt đầu, do vậy, cần hiểu đúng về khởi nghiệp và có các chương trình để thúc đẩy, đổi mới trong tư duy là vô cùng cần thiết", ông Hiếu nhấn mạnh và nhắc rằng nên học tập mô hình của các nước khác trong cách kiến tạo môi trường để cho sự sáng tạo phát triển hơn là bắt chước mô hình khởi nghiệp.

Tin mới lên