Tài chính quốc tế

Nikkei: Hà Nội thay đổi 180 độ với nhà thầu Nhật vì muốn trì hoãn thanh toán

(VNF) - Theo kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) có sự góp mặt của nhà thầu Nhật Bản vẫn còn khá nhiều sai sót kỹ thuật. Với động thái này, Nikkei cho rằng, Hà Nội có thể đang chơi "trò chơi" về thời gian để trì hoãn thanh toán.

Nikkei: Hà Nội thay đổi 180 độ với nhà thầu Nhật vì muốn trì hoãn thanh toán

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện.

"Nó cũng giống như việc than phiền về ngôi nhà đang bị nghiêng khi vách thạch cao chỉ hơi cong", Nikkei dẫn nguồn tin từ phía Nhật Bản về vấn đề này cho hay.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có chiều dài 15,6km, tạo thành một liên kết quan trọng trong tuyến đường cao tốc nối liền thành phố cảng phía bắc Hải Phòng với cảng Lạch Huyện.

Dự án đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện được thực hiện bởi liên danh các nhà thầu Nhật Bản, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4, trong đó có Sumitomo Mitsui Construction của Nhật Bản.

Vào đầu tháng 7, khi cây cầu gần như hoàn thành và bàn giao cho Chính phủ, thanh tra Chính phủ đã thực hiện một cuộc kiểm tra. 

Thông tin từ một báo cáo cho biết, cây cầu đã bị sụt giảm khoảng 5cm tại một số đoạn nhất định. Chỉ vài ngày sau đó, các quan chức cấp cao của Bộ Xây dựng thực hiện kiểm tra lại cấu trúc và tuyên bố rằng các vấn đề mà Hội đồng đã đánh giá và yêu cầu các bên khắc phục không ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình.

Những người có liên quan tới dự án đã bị lúng túng bởi sự kiện biến động này. Một số tấm thép bao phủ bề mặt của cây cầu đã hơi lệch khỏi chỗ, theo một số nguồn tin thân cận với nhà thầu Nhật Bản trong ngành xây dựng cho biết.

Theo Nikkei, động thái từ phía Việt Nam có thể có nhiều liên quan đến sự căng thẳng về tài chính hơn bất kỳ vấn đề gì liên quan đến cây cầu. Vay nợ quá mức thông qua các khoản vay viện trợ nước ngoài và quản lý tài chính thiếu thận trọng đã nợ công của Việt Nam tăng nhanh lên ngưỡng 64,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2016.

Việc bàn giao chiếc cầu được dự kiến ​​vào cuối tháng 8 và trong những trường hợp mọi việc diễn ra bình thường thì việc thanh toán là điều đương nhiên. Nhưng nếu việc bàn giao cây cầu bị trì hoãn với lý do để sửa chữa thì có thể việc thanh toán cũng bị lùi lại.

Tại TP. HCM, một dự án đường sắt đô thị do liên doanh Sumitomo Corp của Nhật Bản và nhà thầu Shimizu ở Tokyo đã hết tiền vào cuối năm ngoái vì chính quyền  chỉ cung cấp khoảng 30% chi phí.

Trung Quốc và Nhật Bản đang có một cuộc tranh giành các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia Đông Nam Á. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bắt kịp câu chuyện về cây cầu nói trên và đánh giá đó như một dấu hiệu cho thấy kỹ thuật Nhật Bản đã "mất điểm". 

Theo Nikkei, vụ việc này đưa ra một lời nhắc nhở rằng việc đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi đòi hỏi phải có một bàn tay quản lý rủi ro một cách khéo léo.

Tin mới lên