Tiêu điểm

Ông Đinh La Thăng có được về chịu tang cha hay không?

(VNF) - Ông Đinh Văn Nhu, cha của ông Đinh La Thăng và ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Thăng) vừa qua đời chiều 26/1. Hai anh em ông Đinh La Thăng đều đang bị tạm giam.

Ông Đinh La Thăng có được về chịu tang cha hay không?

Ông Đinh La Thăng đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên án 13 năm tù giam vì tội cố ý làm trái trong vụ án xảy ra tại PVC.

Chiều 26/1, ông Đinh Văn Nhu - cha của ông Đinh La Thăng và ông Đinh Mạnh Thắng đã qua đời tại Hà Nội. Ông Đinh Văn Nhu đã lâm bệnh từ trước và điều trị ở bệnh viện trong một thời gian. 

Hiện 1 trong 3 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho biết đang thảo đơn xin cho ông Đinh La Thăng được phép về lo chuyện gia đình. Tuy nhiên, luật sư cũng cho biết, ông cũng chưa rõ đơn xin cho ông Đinh La Thăng, ông Đinh Mạnh Thắng về nhà có được chấp thuận hay không.

Trả lời báo Pháp luật TP. HCM, Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho hay, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không có quy định về việc cho phép bị can, bị cáo đang bị tạm giam được về nhà một thời gian nhất định để giải quyết chuyện gia đình, trong đó có việc đám tang của người thân.

Luật sư cho hay, trên thực tế trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam được cho về chịu tang người thân cũng chưa từng xảy ra. Chỉ trừ trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam được cơ quan có thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn. Cụ thể là ông Đinh La Thăng hoặc ông Đinh Mạnh Thắng được cơ quan có thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại, cấm đi khỏi cư trú và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Theo luật sư Phạm Công Hùng, thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn hiện nay đối với trường hợp anh em ông Thăng thuộc tòa án và phải thỏa mãn điều kiện rất khắt khe luật định. Ông Đinh Mạnh Thắng đang bị TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm về tội tham ô tài sản nên thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị cáo này là do HĐXX ở phiên tòa này quyết định. 

Còn trường hợp ông Đinh La Thăng vừa bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội cố ý làm trái… do bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực, cấp phúc thẩm chưa thụ lý nên chưa biết thẩm quyền thuộc về tòa nào giải quyết (tòa sơ thẩm hay phúc thẩm).

"Các phân tích trên chỉ dựa vào các quy định tố tụng hình sự hiện hành. Còn thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào việc anh em ông Thăng có đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho về chịu tang cha hay không và các cơ quan có thẩm quyền có chấp thuận hay không...", Luật sư Phạm Công Hùng cho biết thêm trên báo chí.

Ông Đinh Văn Nhu cha của ông Đinh La Thăng sinh năm 1932 đã qua đời vào 15h46 phút ngày 26/01/2018 (tức ngày 10/12 năm Đinh Dậu), hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng cha ông Đinh La Thăng diễn ra từ 7h30 đến12h30, thứ Ba, ngày 30/01/2018 (tức ngày 14/12 năm Đinh Dậu) tại nhà tang lễ Cầu Giấy, số 4 đường Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Lễ truy điệu cụ Đinh Văn Nhu và đưa tang từ 12h30 đến 13h00 cùng ngày. Lễ an táng tại Nghĩa trang nhân dân phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Sáng 24/1, ông Đinh La Thăng đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên án 13 năm tù giam vì tội cố ý làm trái trong vụ án xảy ra tại PVC.

Trong quá trình xét xử, ông Đinh La Thăng từng bày tỏ mong muốn được tại ngoại để ăn Tết cuối cùng với gia đình, thăm bố đẻ vừa nhập viện trước khi chấp hành án phạt.

Đối với ông Đinh Mạnh Thắng, mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã kết luận sai phạm và đề nghị mức án 11 - 12 năm tù do ông Thắng có liên quan đến vụ án "Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam "(PVP Land)".

Tin mới lên