Tài chính

Sabeco chưa nộp ngân sách nhà nước gần 2.500 tỷ

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị Bộ Công Thương xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân liên quan, có phương án phân phối lại lợi nhuận để không thất thu ngân sách nhà nước.

Sabeco chưa nộp ngân sách nhà nước gần 2.500 tỷ

Sabeco chưa nộp ngân sách nhà nước gần 2.500 tỷ.

Mới đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã gửi thông báo cho Bộ trưởng Bộ Công ThươngBộ trưởng Bộ Tài chính về kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Thời gian kiểm toán được tiến hành từ ngày 4/10/2017 đến 1/12/2017.

Trước thoái vốn, Sabeco vẫn chưa chia hơn 2.700 tỷ

Trong số 5 vấn đề được kiểm toán, nổi bật nhất là vấn đề "chia cổ tức để nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trước khi thoái vốn.

Thông báo của KTNN cho hay: theo Báo cáo tài chính riêng giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017 đã được Công ty TNHH PwC (Việt Nam) kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2017, lợi nhuận mà Sabeco chưa phân phối lũy kế trước 31/12/2016 là hơn 2.900 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại thời điểm 31/12/2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Sabeco đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào Quý I/2017. Như vậy, lợi nhuận còn lại của các năm từ 2016 trở về trước là hơn 2.700 tỷ đồng.

Căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco vào thời điểm 31/12/2016 là 89,59%, KTNN đã kiến nghị nộp NSNN lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước hơn 2.400 tỷ đồng.

Vẫn theo KTNN, đối với lợi nhuận còn lại chưa phân phối từ năm 2015 trở về trước, Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Sabeco đã có văn bản ngày 4/11/2016 gửi Bộ Công Thương xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên Bộ Công Thương chưa có chủ trương phân phối khoản lợi nhuận này để chia cổ tức.

Ngược lại, Bộ này đề nghị Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco báo cáo tình hình phân phối lợi nhuận hàng năm từ khi đi vào hoạt động đến năm 2015 và báo cáo riêng số dư các quỹ và phần lợi nhuận chưa phân phối còn tồn đến ngày 30/6/2016 để Bộ này tổng hợp, xin ý kiến chi đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Với khoản lợi nhuận còn lại chưa phân phối của năm 2016, Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Sabeco chưa có đề xuất và Bộ Công Thương chưa có chủ trương phân phối tiếp để chia cổ tức sau khi Bộ Công Thương quyết định chi trả cổ tức năm 2016 bằng 30% vốn điều lệ.

Riêng về vấn đề này, KTNN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Bộ Công Thương trong việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước. Bộ phận đại diện vốn tại Sabeco cũng bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm về việc không đề xuất phương án phân phối tiếp lợi nhuận còn lại của năm 2016. Bởi theo KTNN, điều này ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN.

Khen thưởng vượt hơn 12 tỷ đồng

Cũng theo thông báo kết quả kiểm toán, năm 2015, Sabeco không tách riêng quỹ khen thưởng giữa người lao động và người quản lý. Theo đó, việc chi tiền thưởng cho người quản lý của Sabeco bao gồm Chủ tịch và thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát và Kế toán trưởng là hơn 15 tỷ đồng, tương đương với 20,3 tháng lương bình quân của quản lý.

Mức thưởng trên trái với quy định tại Nghị định 71/2013 của Chính phủ là 1,5 thảng lương thực hiện. Thậm chí mức chi thưởng này cũng cao hơn so với mức khen thưởng 3 tháng lương cho người quản lý năm 2016 mà Bộ Công Thương đã chấp thuận. Theo KTNN, Sabeco đã chi thưởng vượt mức tới 12,793 tỷ đồng.

Một vấn đề khác được KTNN kiến nghị là việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl, chủ đầu tư Dự án tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. HCM.

Theo KTNN, trên cơ sở kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Cushman&Wakefield, đơn vị đưa ra giá trị cao nhất trong đối với Sabeco Pearl, Sabeco xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần, giá trúng đấu giá là 13.347 đồng/cồ phần.

Tuy nhiên, KTNN nhận định việc Công ty Cushman&Wakefield xác định giá trị doanh nghiệp của Sabeco Pearl tại ngày 26/2/2016 còn nhiều sai sót, hạn chế. Vì vậy, giá trị của Sabeco Pearl đã bị giảm đáng kể.

Ngoài ra, Sabeco đã phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khác, có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ, với số tiền là hơn 444 tỷ đồng. Trong đó, đối với khoản đầu tư hơn 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Đông Á thì cổ đông không được chuyển nhượng cổ phiếu do Ngân hàng Đông Á bị kiểm soát đặc biệt.

Với những vấn đề trên, KTNN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Sabeco Pearl do Công ty Cushman &Wakefield đề xuất khi thực hiện thoái vốn; chỉ đạo làm rõ, xem xét trách nhiệm đối với việc chi thường cho người quản lý trong năm 2015 tại Sabeco không hợp lý và không đảm bảo đảm quản lý chung của Nhà nước;

Cuối cùng, KTNN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đầu tư góp vốn, mua trái phiếu tại 10 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.

Ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thực hiện các kiến nghị của KTNN liên quan đến Sabeco theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/3.

Đề nghị Bộ Tài chính buộc Sabeco nộp ngân sách

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, KTNN sau khi nêu kết quả kiểm toán đã nhấn mạnh: Ngày 28/12/2017, thời điểm Công ty THNN Vietnam Bevergage mua 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco, thì Sabeco đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức. Ngày 29/12/2017, Sabeco đã nộp hơn 808 tỷ vào ngân sách nhà nước, tương ứng với tỷ lệ 36% vốn nhà nước tại Sabeco.

Từ đó, KTNN đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan liên quan "khẩn trương tổ chức truy nộp ngân sách nhà nước" khoản lợi nhuận từ 2016 trở về trước. Đồng thời, có ý kiến với Bộ Công Thương, Sabeco về việc chia cổ tức năm 2017 cho "cổ đông nhà nước" theo đúng tỷ lệ vốn điều lệ mà nhà nước nắm giữ đến ngày 28/12/2017 là 89,59%.

Tin mới lên