Tài chính quốc tế

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc mạnh phiên mở cửa sau Tết

(VNF) - Ngày 11/2, thị trường chứng khoán Hồng Kông trải qua phiên giao dịch mở cửa sau Tết Nguyên đán tồi tệ nhất kể từ năm 1994 kéo theo toàn bộ thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong bối cảnh đồng USD tụt xuống mức thấp nhất 15 tháng so với đồng yên.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc mạnh phiên mở cửa sau Tết

Các nhà đầu tư thận trọng hơn khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen bày tỏ quan ngại nhiều hơn về tình hình kinh tế toàn cầu, làm dập tắt những cơ hội về một đợt nâng lãi suất mới. Sau phát biểu tại phiên họp điều trần trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Fed, đồng USD giảm 1,5% so với yên xuống ngưỡng 113 yên đổi 1 USD, chạm đáy 15 tháng.

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông chốt phiên 11/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ba ngày (từ 8-10/2) đã giảm 3,9% trong khi đó, chỉ số MSCI toàn cầu giảm 2,1%. Lần cuối cùng chỉ số Hang Seng giảm mạnh với mức độ như vậy trong ngày giao dịch đầu năm mới là khi các nhà đầu tư lo lắng về sức khỏe của cựu lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình.

Chỉ số chứng khoán của Hồng Kông đã sụt giảm tổng cộng 12% kể từ đầu năm nay trước lo ngại về dòng vốn tháo chạy, thị trường bất động sản sụt giảm và đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, cuộc bạo loạn tại khu mua sắm của quận Mong Kok vào ngày thứ Ba vừa qua (9/2) có thể ảnh hưởng đến số lượng du khách đại lục sang du lịch, làm sụt giảm doanh số bán lẻ.

Đà lao dốc mạnh của thị trường Hông Kông đã châm ngòi cho một đợt bán tháo cổ phiếu trên các thị trường toàn khu vực. Giá của dầu thô và những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế thế giới trong đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

Dầu thô đã giảm xuống dưới 27 USD/thùng từ mức giá đóng cửa 31,72 USD/thùng vào ngày 4/2. Kyle Bass, người quản lý quỹ đầu tư đã đánh bại thị trường trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn tại Mỹ năm 2008 cho rằng, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có thể chịu kết cục gấp 4 lần so với các ngân hàng Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm tiền 4 lần vào hệ thống tài chính của nước này trong thời gian qua để chuẩn bị cho tết âm lịch năm 2016. Việc bơm thêm tiền đã tạo thêm áp lực cho thị trường tiền tệ. Lượng tiền bơm vào hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2015. 

Trong một bức thư gửi đến các nhà đầu tư, Bass - nhà sáng lập của Dallas Hayman Capital Management nhận định, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có khả năng mất 10% tài sản xuất phát từ việc cho vay không hiệu quả, theo đó ngân hàng quốc gia này sẽ phải chứng kiến 3.500 tỷ USD biến mất

PBOC sẽ phải in thêm nhiều hơn 10.000 tỷ USD đồng nội tệ để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, điều này sẽ gây sức ép lên đồng nhân dân tệ.

Giá dầu giảm khiến cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí giảm mạnh. Cổ phiếu PetroChina giảm 5,1%, cổ phiếu của Cnooc (tập đoàn dầu mỏ ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc) giảm 5,3%, trong khi cổ phiếu ngân hàng HSBC mất 5,4%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2015.

Sắc đỏ lan rộng trên hầu hết các thị trường châu Á, trong đó chứng khoán Hàn Quốc giảm gần 3%, ghi nhận phiên mất điểm lớn nhất trong gần bốn năm qua, trong khi chứng khoán Singapore mất 0,8%.

Tin mới lên