Thị trường

Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc tham vọng mở 2.000 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam

(VNF) – Tập đoàn Sơn Kim và công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 là GS Retail (Hàn Quốc) dự định sẽ mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên tại TP. HCM vào ngày 19/1 tới đây. Liên doanh này tham vọng sẽ mở hơn 2.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam trong vòng một thập kỷ tới.

Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc tham vọng mở 2.000 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam

Một trong những cửa hàng đồ lót của Sơn Kim ở TP. HCM sẽ được chuyển đổi thành cửa hàng tiện ích GS25 đầu tiên tại Việt Nam.

Sơn Kim Land (công ty thuộc tập đoàn Sơn Kim) và "ông lớn" bán lẻ Hàn Quốc GS Retail đã thành lập liên doanh GS25 Việt Nam vào tháng 8/2017 nhằm đưa mạng lưới cửa hàng tiện lợi GS25 Hàn Quốc vào Việt Nam. GS Retail nắm 30% cổ phần, Sơn Kim nắm 70% cổ phần của liên doanh này.

Theo kế hoạch, GS25 Việt Nam sẽ mở bốn cửa hàng vào cuối tháng 1 tại khu thương mại trung tâm TP. HCM và mở thêm 50 cửa hàng cho tới cuối năm nay. Các cửa hàng này sẽ có mặt tại thủ đô vào Hà Nội vào năm 2020.

Sơn Kim Group là một trong ba nhà bán lẻ đồ lót hàng đầu Việt Nam.

Theo thoả thuận, GS Retail sẽ cung cấp kinh nghiệm quản lý, vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi và quyền sử dụng nhãn hiệu cho liên doanh. Ngược lại, liên doanh sẽ phải trả tiền bản quyền và lợi tức cho GS Retail tương ứng với 30% cổ phần nắm giữ.

Sơn Kim là một công ty gia đình, hoạt động theo mô hình holding từ năm 2007, với 3 lĩnh vực chính là bất động sản, truyền thông và bán lẻ. Công ty này là một trong ba nhà bán lẻ đồ lót hàng đầu Việt Nam với tổng cộng hàng trăm cửa hàng bán lẻ. Năm 2012, công ty này đã hợp tác với GS Home Shopping để phát triển kênh mua sắm tại nhà.

GS25 là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm khoảng 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. Một trong những chiến lược mà GS25 hướng tới đó là thu hút khách hàng là người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên của GS Retail, sau khi ra mắt tại Việt Nam, GS Retail cũng có kế hoạch tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác.

7-Eleven đã mở cửa hàng đầu tiên Việt Nam vào tháng 6/2017.

Thị trường mua sắm trực tuyến của Việt Nam đang bùng nổ trong những năm gần đây. Đó là một trong những lý do Sơn Kim chuyển các cửa hàng của mình sang các cửa hàng tiện lợi để hiện đại hóa cách tiếp cận bán lẻ. Thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đã tăng 25% từ 5 tỷ USD vào năm 2016.

Công ty tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) xếp Việt Nam vị trí thứ 6 thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, tăng 5 bậc so với năm ngoái, trong đó cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là 2 mảng đang phát triển nhanh nhất. Theo các nhà phân tích, phân khúc cửa hàng tiện lợi dự kiến sẽ chiếm 45% tổng doanh số bán lẻ vào năm 2020, từ con số 25% hiện nay.

Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ của Việt Nam là 129,5 tỷ USD năm 2017, tăng 10,9% so với năm ngoái. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD.

Trong những năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi với mức tăng trưởng hàng năm 70%. Các tên tuổi đình đám có thể kể đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Mini Stop hay Shop&Go.

Xem thêm >>> GS Retail 'bắt tay' Sơn Kim: 'Sói' tiếp tục 'gửi chân'

Tin mới lên