Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: '1 đồng vốn bán ra thu về được 15,52 đồng'

Duy Phan - 31/01/2018 17:51 (GMT+7)

(VNF) - Cả nước đã thoái được hơn 8.900 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về gần 140.000 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước năm 2017 đạt hơn 144.500 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao), trong đó thu từ cổ phần hóa gần 5.200 tỷ đồng, thu từ thoái vốn gần 140.000 tỷ đồng.

VNF
Ảnh minh họa

1 đồng vốn bán ra thu về được 15,52 đồng

Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 31/1, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho hay năm 2017, có 69 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có các doanh nghiệp quy mô vốn Nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng. 

Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016.

"Một đồng bán ra thu về được 15,52 đồng", ông Nguyễn Hồng Long cho biết khi nói về tình hình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 

Theo đó, cả nước đã thoái được hơn 8.900 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về gần 140.000 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước năm 2017 đạt hơn 144.500 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao), trong đó thu từ cổ phần hóa gần 5.200 tỷ đồng, thu từ thoái vốn gần 140.000 tỷ đồng.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp nói chung, ông Nguyễn Hồng Long cho biết năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. 

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến hết năm 2017 ước tính trên 561.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt 47,3%, trong đó, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lãi chiếm 83,5%, doanh nghiệp FDI là 54,4% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, 47%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cho rằng so với trước đây, số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi trong khi năm 2012 chỉ có khoảng 30%.

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp gấp tới 15,52 lần giá trị sổ sách là con số chưa từng có, trong đó riêng thoái vốn tại Sabeco mang lại giá trị gấp 32 lần mệnh giá, đạt lợi ích tối đa. "Tất cả tiền bán vốn đều đưa vào ngân sách nhà nước phục vụ cho đầu tư phát triển, Chính phủ không được dùng riêng một đồng nào", Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng năm 2017 là năm nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cổ phần hoá vì Chính phủ vừa ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa phải thực hiện hiệu quả. "Chưa bao giờ Chính phủ ban hành danh mục bán vốn tại doanh nghiệp, danh mục IPO tới năm 2020 và công khai cho các nhà đầu tư biết như năm 2017", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Những kết quả của doanh nghiệp năm 2017 có được là nền tảng, nguyên nhân để có tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành được nhờ vào nền tảng này", Phó Thủ tướng nhận định.

"Năm 2018 phải là năm cao trào về cổ phần hoá, bán vốn"

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị năm 2018 là năm cao trào về cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong quý I/2018 sẽ có 4 "anh cả đỏ" lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong tổng số 69 tập đoàn, tổng công ty đã được cổ phần hóa năm 2017. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu song song với việc lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước vào quý I/2018, các bộ, ngành "dứt khoát không được buông tay với những doanh nghiệp thuộc quản lý sở hữu để kết quả quá trình này cao nhất".

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp nhà nước về tổ chức, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề, nhân sự, tinh thần là tinh giản biên chế sắp xếp lại bộ máy tổ chức. 

"Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác