Tiêu điểm

Khoán chi phí xe công: Chủ tịch tỉnh sẽ nhận 6,5 triệu đồng/tháng?

(VNF) - Theo đề xuất thay đổi trong quy định về trang bị xe công cho lãnh đạo cơ quan Nhà nước, kinh phí "khoán xe công" sẽ được Bộ Tài chính tính toán như thế nào?

Khoán chi phí xe công: Chủ tịch tỉnh sẽ nhận 6,5 triệu đồng/tháng?

Bộ Tài chính dự kiến đưa ra hai phương án nguyên tắc tính kinh phí xe công

Theo dự thảo mới nhất Quy định về quản lý, sử dụng xe ô tô công vừa được ban hành lấy ý kiến để trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã thể hiện chủ trương "khoán" mạnh tay kinh phí xe công của các cấp Thứ trưởng và tương đương, lãnh đạo tỉnh và DNNN bằng nguyên tắc tính toán khá "cứng" với hai phương án.

Theo đó, phương án thứ nhất được Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo hình thức khoán chi phí sử dụng xe vào thu nhập ở mức 6.500.000 đ/tháng. Mức chi phí này sẽ được điều chỉnh giảm trên 20% khi chỉ số CPI tăng.

Phương án thứ hai là xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác do Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định. 

Đơn giá khoán được triển khai theo phương án thứ hai sẽ được thực hiện theo 02 cách tính là khoán với mức giá 16.000đ/km (có thể được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%) hoặc khoán dựa trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quyết định.

Các cấp lãnh đạo gồm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định hoặc phân cấp quyết định hình thức, mức khoán cố định theo tháng hoặc thanh toán trên cơ sở khoảng cách thực tế để áp dụng cho các chức danh thuộc phạm vi quản lý và phải "đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm được giao.

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn cũng chịu trách nhiệm quyết định hình thức, mức khoán cố định theo tháng hoặc thanh toán trên cơ sở khoảng cách thực tế để áp dụng cho các chức danh thuộc phảm vi quản lý, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. 

Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay, hình thức khoán kinh phí chỉ được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương cũng như các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ công tác chung. Chính vì vậy, dù đã được quy định từ năm 2007 nhưng hiệu quả từ việc kế hoạch này vẫn hầu như chưa được phát huy. Một vài trường hợp dù có áp dụng nhưng do chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn nên không thể trở thành kết quả chuẩn xác để đánh giá đúng.

Về các đối tượng áp dụng nguyên tắc khoán này, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại cho các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung phục vụ công tác hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.

Các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại Tập đoàn kinh tế và DNNN sẽ tiến hành khoán kinh phí sử dụng theo phương tiện khi đi công tác hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có).

Như vậy, qua hai biện pháp áp dụng tiêu chuẩn xe công đưa đón Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh; quy định lại số xe công tại các địa phương và DNNN cùng nguyên tắc tính kinh phí khoán này, Bộ Tài chính đang kỳ vọng sẽ giảm được áp lực lên ngân sách quốc gia và hoàn thành mục tiêu giảm 30 – 50% số lượng xe công vào năm 2020.

Tin mới lên