Tài chính quốc tế

Trung Quốc có thể tạm hoãn giải quyết nợ để tập trung cho 'chiến tranh thương mại'

(VNF) - 2018 là năm mà Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ tăng cường kiểm soát đối với nợ, đặc biệt là trong lĩnh vực "ngân hàng trong bóng tối" – những khoản cho vay bởi các định chế tài chính không phải ngân hàng.

Trung Quốc có thể tạm hoãn giải quyết nợ để tập trung cho 'chiến tranh thương mại'

Trung Quốc có thể tạm hoãn giải quyết nợ để tập trung cho "chiến tranh thương mại"

Tuy nhiên, việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump "khơi mào" những mâu thuẫn thương mại sẽ có thể làm thay đổi mục tiêu của nước này, và nhiệm vụ tháo gỡ đòn bẩy tài chính có thể sẽ được tạm hoãn lại.

Dấu hiệu rõ ràng nhất là vào thứ ba tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm lượng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước.

Sau đó, vào thứ năm, Ban kinh tế của chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ đặt mục tiêu giảm giá điện cho kinh doanh thương mại và sản xuất một mức trung bình là 10% so với giá hiện tại - một động thái phù hợp với nỗ lực giảm chi phí của doanh nghiệp của chính phủ.

Trung Quốc cũng đã tuyên bố gánh nặng thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp sẽ được giảm bớt trong năm nay. Ngày 1/5, Trung Quốc sẽ giảm mức thuế suất giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất, giao thông, xây dựng, viễn thông và nông nghiệp.

Tất cả những hành động trên giúp các nhà đầu tư và nhà kinh tế dự đoán rằng nếu các mâu thuẫn với Mỹ tiến triển thành một cuộc chiến tranh thương mại, Bắc Kinh sẽ càng đẩy mạnh việc hỗ trợ ngành công nghiệp và nền kinh tế của đất nước để đối phó với những "đòn" từ phía chính quyền ông Trump.

"Nếu bạn nhìn thấy một cú sốc tăng trưởng âm, thì tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục ưu tiên giảm tăng trưởng tín dụng và nợ công", Alex Wolf, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Aberdeen Standard Investments cho biết.

Ngoài ra, chính phủ còn lo ngại nếu mạnh tay cắt giảm tăng trưởng tín dụng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể so với mục tiêu năm 2018 - khoảng 6,5%. Điều đó sẽ gây khó khăn cho các bộ phận của nền kinh tế, khiến nhiều người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm hơn. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến đình công và các cuộc biểu tình khác – một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã dần chậm lại. Các dấu hiệu dễ thấy là giá nhà tăng ít hơn, tăng trưởng tín dụng yếu hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn lớn hơn mức kỳ vọng. Trong quý đầu tiên, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 6,8% - cao hơn mục tiêu hàng năm.

Chính tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong năm ngoái đã giúp Bắc Kinh có thể kiềm chế bớt các khoản nợ. Đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng GDP năm ngoái là cao nhất trong 10 năm, theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia. Nếu có một sự sụt giảm trong giá trị xuất khẩu, Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại chính sách cũ để hỗ trợ tăng trưởng.

Các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động trực tiếp của thuế Hoa Kỳ đối với tăng trưởng kinh tế và chính sách vĩ mô của Trung Quốc, vì cho đến nay vẫn chưa mức thuế nào có hiệu lực, và chúng hoàn toàn có thể được tháo gỡ bởi đàm phán.

Ngay cả khi khoản thuế nhập khẩu áp đặt cho 150 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Trung Quốc được áp dụng, nó cũng chỉ ảnh hưởng đến khoảng 7% tổng xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái và khoảng 2% GDP nước này.

Tác động trực tiếp của thuế có thể dẫn đến lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nếu việc kinh doanh của các công ty thuộc lĩnh vực áp thuế bị ảnh hưởng, tuy nhiên tác động không quá nghiêm trọng.

Ông Liang, Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Kinh tế Quốc gia, trả lời phỏng vấn Reuters rằng thị trường việc làm của Trung Quốc khá đàn hồi, với tình trạng thiếu lao động ở các thành phố ven biển cho thấy Trung Quốc hoàn toàn có thể chịu được cú sốc mất việc làm gây ra bởi chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, quyết định trừng phạt của Washington đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE - không cho phép các công ty Mỹ cung cấp linh kiện cho công ty này - có thể có tác động dài hạn đối với kinh tế Trung Quốc. 

Chính phủ Mỹ gần đây cũng đã từ chối các thương vụ M&A các công ty Mỹ của nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm. Những rào cản đối với dòng vốn và thương mại không chỉ cản trở nền kinh tế mà còn gây hại đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm nâng cao chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và duy trì mức tăng ổn định trong thu nhập hộ gia đình.

Tin mới lên