Trung Quốc mời các nước Mỹ-Latin tham gia ‘Một vành đai, một con đường’
Minh Khuê -
23/01/2018 14:15 (GMT+7)
(VNF) - Trung Quốc đã mời các quốc gia Mỹ-Latin và vùng Caribe tham gia vào sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road) vào hôm thứ hai (22/1). Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Nam Mỹ - nơi Hoa Kỳ đã và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (OBOR), được đề xuất năm 2013 bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây cũng chính là tâm điểm ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trong những năm qua.
Mục tiêu của OBOR là thúc đẩy liên kết khu vực và xuyên lục địa giữa Trung Quốc với lục địa Á - Âu. Và bây giờ có thể là cả khu vực Mỹ-Latin.
Khả năng kết nối bao gồm năm lĩnh vực quan tâm chính: phối hợp chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm đường sắt và đường cao tốc), thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và quan hệ nhân dân.
Cuộc họp giữa Trung Quốc và 33 thành viên của Cộng đồng các quốc gia Mỹ-Latin và các quốc gia Caribe (được biết đến với tên gọi Diễn đàn CELAC - Trung Quốc) đã khai mạc ngày 22/1 tại Santiago, Chile.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu rằng CELAC rất phù hợp với sáng kiến mà Trung Quốc đã xây dựng để tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính với các nước đang phát triển.
"Trung Quốc luôn cam kết hướng tới con đường phát triển hòa bình và chiến lược của cả hai bên trong hợp tác kinh tế và sẵn sàng chia sẻ sự thịnh vượng với mọi quốc gia", ông Vương Nghị nói.
Các đại diện từ Trung Quốc và CELAC đã ký một thoả thuận mở rộng mối quan hệ trong khuôn khổ Diễn đàn. Thỏa thuận này là một phần của chính sách đối ngoại đang phát triển tích cực hơn ở khu vực Mỹ-Latin, trong bối cảnh những nước này gặp một số bất lợi do các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuyên bố Santiago – ký kết bởi Trung Quốc và các đại biểu của CELAC cũng kêu gọi các nước tham gia thúc đẩy giao thương và hành động đối phó với biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho biết thỏa thuận đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của lịch sử đối thoại giữa khu vực và Trung Quốc. "Trung Quốc mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của khu vực Mỹ-Latin và Caribe. Và chúng tôi đánh giá cao điều đó. Thành công của cuộc họp này đại diện cho một sự hợp tác quốc tế sâu rộng, cho dù chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang lộng hành ở Mỹ", ông Munoz nói.
Kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 với chiến thắng của ông Trump, Trung Quốc đã cố gắng gây dựng ảnh hưởng ở các khu vực kinh tế trọng điểm trên thế giới. Ngoài Mỹ-Latin, Trung Quốc cũng tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trung Quốc đang cố gắng "lật đổ" ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Mỹ-Latin khi đưa ra khoản đầu tư trị giá 250 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước trong khu vực, bao gồm Brazil, Chile và Argentina.
Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã chuyển từ chỉ nhập nguyên liệu thô của Mỹ-Latin sang đa dạng hóa đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại chính các quốc gia này như sản xuất ô tô, thương mại điện tử và thậm chí cả các startup công nghệ.
(VNF) - Sau hơn một giờ di chuyển, máy bay chở đội tuyển Việt Nam từ Thái Lan đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Rất đông người hâm mộ có mặt từ sớm để chào đón đoàn quân của HLV Kim Sang-sik. Cùng ngày, chiều 6/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt và chúc mừng Đội tuyển bóng đá nam quốc gia nhân dịp đội giành chức vô địch ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024.