Tài chính quốc tế

TTCK châu Á 2017: 'Việt Nam tiên phong cận biên, sắp chạm thị trường mới nổi'

(VNF) - Các thị trường chứng khoán (TTCK) Châu Á đã có một cuộc chạy đua đầy tích cực trong năm nay, vượt qua nỗi lo ngại vào năm ngoái về những tác động tiềm ẩn đối với thương mại và chính sách đối ngoại mà chính quyền mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ mang đến khu vực này.

TTCK châu Á 2017: 'Việt Nam tiên phong cận biên, sắp chạm thị trường mới nổi'

Các thị trường chứng khoán Châu Á đã có một cuộc chạy đua đầy tích cực trong năm 2017

Mặc dù đầu năm nay, bất ổn về địa chính trị với việc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên ban đầu đã khiến các nhà đầu tư vội vã đầu tư vào tài sản an toàn, chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản vẫn tăng hơn 34%. Con số này cao hơn mức tăng trưởng trung bình 25% của chỉ số Dow Jones.

Hồng Kông trở thành ngôi sao mới

TTCK hoạt động tốt nhất ở châu Á năm 2017 là Hồng Kông. Chỉ số Hang Seng tăng hơn 35% so với năm ngoái, với sự đóng góp của các cổ phiếu bluechips. Năm nay cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2007 chỉ số này vượt qua mức 30.000 điểm.

Chỉ số Hang Seng tăng lên đáng kể khi cổ phiếu của Tencent đạt mức cao nhất trong năm nay. Tencent, công ty đứng sau ứng dụng phổ biến WeChat, trong một thời gian ngắn đã vượt qua Facebook về giá trị vốn hóa trong tháng 11 vừa qua.

Andrew Clarke, giám đốc kinh doanh tại Mirabaud Asia nói với CNBC rằng hoạt động tại thị trường Hồng Kông dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tốt đẹp trong năm tới.

Clarke cho biết thêm: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu 2018 là một năm tương tự". Clarke dự đoán chỉ số này có thể "dễ dàng" phá vỡ mức 35.000 điểm vào năm tới, các ngành dẫn đầu bao gồm công nghệ, viễn thông và ngân hàng.

Hàn Quốc được lợi từ phục hồi kinh tế toàn cầu

Một "người chiến thắng" khác trong năm nay là chỉ số Kospi của Hàn Quốc, tăng 21,63% so với năm trước. Chỉ số Kosdaq tập trung vào các công ty công nghệ nhỏ cũng tăng 26,44%.

Điều này nhờ phần lớn vào sự cải thiện trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận.

Mặc dù một số người lo ngại về chu kì thiết bị bán dẫn đã đạt đỉnh – với Samsung Electronics và SK Hynix là hai nhà sản xuất chip lớn thứ nhất và lớn thứ ba thế giới – Daniel Yoo, giám đốc chiến lược của Kiwoom Securities cho biết ông tin rằng thị trường đang đánh giá thấp nhu cầu thiết bị bán dẫn.

Việt Nam dẫn đầu các thị trường mới nổi

Chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng 46,9% so với năm trước khi các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng này.

Mặc dù MSCI vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường cận biên, nước này đang nỗ lực để cải thiện khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ cố gắng nâng cấp lên vị thế của một thị trường mới nổi.

Bên cạnh việc khuyến khích các công ty trong nước công bố thông tin và các bản cập nhật bằng tiếng Anh, Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực thúc đẩy tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Một lượng cổ phần lớn của Sabeco, hãng sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, được đấu giá vào đầu tháng này đã bị mua lại bởi một hãng đồ uống Thái Lan.

Chetan Sehgal, Giám đốc các thị trường mới nổi toàn cầu ở Templeton Emerging Markets Group cho biết: "Việc thoái vốn một số doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp giảm gánh nặng nợ quốc gia đang gia tăng của Việt Nam và cũng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể".

Ông nói thêm: "Ở giai đoạn này, Việt Nam là người tiên phong trong thị trường cận biên, tuy nhiên, sẽ có nhiều triển vọng rằng trong dài hạn, Việt Nam có thể hội đủ điều kiện để được coi là thị trường mới nổi".

Sự sụt giảm của một "cựu ngôi sao"

Pakistan từ thị trưởng tăng trưởng hàng đầu trong khu vực vào cuối năm ngoái đã có sự sụt giảm trong năm nay, với chỉ số chứng khoán KSE 100 giảm mạnh hơn 15%.

Sự "sụp đổ" này được cho là do tình hình bất ổn chính trị, sau khi thủ tướng của nước này, ông Nawaz Sharif, từ chức hồi tháng Bảy sau phán quyết của Tòa án Tối cao.

Điều gì chờ đón trong năm 2018

Mặc dù các nhà phân tích dự báo động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn được tiếp tục duy trì, vẫn còn nhiều lo ngại về việc bình thường hóa chính sách tiền tệ (mà dẫn đầu là FED) có thể tạo ra những thay đổi không lường trước được sau gần một thập kỷ nới lỏng tiền tệ.

Trong một lưu ý ngày 19 tháng 12, Ngân hàng OCBC nhấn mạnh việc chuyển từ "rủi ro địa chính trị và thiên nga đen sang tê giác xám" là một chủ đề chính trong năm tới. Không giống như các sự kiện "thiên nga đen", đó là những sự kiện không lường trước ​​có thể có tác động toàn cầu, "tê giác xám" là những rủi ro có thể được giải quyết nhưng bằng cách nào đó đã bị bỏ qua.

Một biến động tiềm ẩn khác là làm thế nào Trung Quốc tiến hành giải quyết số nợ khổng lồ của nước này.

Các nhà phân tích của Ngân hàng OCBC cho biết: "Tháo gỡ khó khăn tài chính là một kế hoạch dài hơi đối với Trung Quốc, tuy nhiên, nếu Trung Quốc cố gắng rút ngắn thời gian, nó có thể tạo ra cú sốc tăng trưởng đối với nước này và cả khu vực".

Tin mới lên