Thị trường

WB đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam: Chỉ 1 chỉ số giảm điểm

(VNF) – Trong 10 chỉ số cấu thành thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, có 6 chỉ số tăng điểm, 3 chỉ số giữ nguyên điểm và 1 chỉ số giảm điểm.

WB đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam: Chỉ 1 chỉ số giảm điểm

Trong 10 chỉ số cấu thành thứ hạng về môi trường kinh doanh, Việt Nam có 6 chỉ số tăng điểm.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2017, báo cáo môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế. Năm 2018, Việt Nam đạt 68,36/100 điểm, tăng 1,59 điểm, đứng thứ 69/100, tụt một bậc so với năm trước.

Trong 10 chỉ số cấu thành, Việt Nam có 6 chỉ số tăng điểm gồm: Chỉ số khởi sự doanh nghiệp đạt 84,82 điểm, tăng 2,8 điểm (hạng 104/190), chỉ số nộp thuế đạt 62,87 điểm, tăng 1,75 điểm (hạng 131/190), chỉ số tiếp cận điện năng đạt 87.94 điểm, tăng 9,25 điểm (hạng 27/190), chỉ số đăng kí tài sản đạt 71,09 điểm, tăng 0,48 điểm (hạng 60/190), chỉ số thực thi hợp đồng đạt 62,07 điểm, tăng 1,85 điểm (hạng 62/190), chỉ số cấp phép xây dựng đạt 79,05 điểm, tăng 0,02 điểm (hạng 21/190).

Có 3 chỉ số giữ nguyên điểm so với báo cáo trước gồm: Chỉ số tiếp cận tín dụng, giao dịch thương mại quốc tế và bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.

Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp là chỉ số duy nhất giảm điểm, giảm 0,23 điểm.

Báo cáo của WB đánh giá Việt Nam đã đạt được 3 cải cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong năm 2018 gồm: đơn giản hóa thủ tục đăng kí kinh doanh thông qua hình thức đăng kí trực tuyến và giảm chi phí đăng kí; đơn giản hóa thủ tục nộp thuế và giảm chi phí nộp thuế của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho việc thực thi các hợp đồng kinh doanh.

Theo Bộ Ngoại giao, so sánh môi trường kinh doanh của Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực, Việt Nam xếp thứ 5, sau các nước: Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15), Thái Lan (thứ 27), Brunei (thứ 55) và cao hơn các nước: Indonesia (thứ 73), Philippines (thứ 124), Cambodia (thứ 138), Lào (thứ 154) và Myanmar (thứ 171).

So với mặt bằng chung của ASEAN và khu vực, điểm số và thứ hạng của Việt Nam cao hơn trung bình của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Chỉ số khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong ASEAN (chỉ sau Singapore và Thái Lan). Điều này phản ánh nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp thông qua hình thức đăng ký trực tuyến, giảm chi phí kinh doanh, minh bạch thông tin trên cổng đăng ký kinh doanh trực tuyến, xây dựng chính phủ điện tử…

Trong ASEAN, Việt Nam là nước có số điểm tăng nhiều thứ 3 (sau Malaysia, Brunei) với 1,59 điểm. Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những nước có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên điều này chưa đủ lớn nếu so với mặt bằng chung của thế giới, nhất là khi nhiều nước khác có tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn, nên thứ hạng của Việt Nam chưa cải thiện.

Tin mới lên