Diễn đàn VNF

Xử lý ngân hàng 0 đồng qua M&A, tại sao không?

(VNF) - Chuyên gia tư vấn đầu tư Lê Minh vừa nêu quan điểm về vấn đề giải quyết câu chuyện "ngân hàng 0 đồng" thông qua hình thức M&A, theo đó

Xử lý ngân hàng 0 đồng qua M&A, tại sao không?

Ông Lê Minh viết: 

"Khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành mua loạt ngân hàng yếu kém giá 0 đồng đã tạo dư luận tranh cãi về tính hợp pháp của việc này. Gần đây, Chính phủ đã có chỉ đạo rằng sẽ không tiếp tục mua ngân hàng yếu kém giá không đồng.

Cách xử lý thế nào hợp tình hợp lý đối với Ngân hàng yếu kém, doanh nghiệp có thương hiệu bị phá sản? Ở nền kinh tế trẻ như Việt Nam, doanh nghiệp thương hiệu lớn khi lâm vào tình trạng tài chính bết bát thì ông chủ doanh nghiệp có xu hướng là giấu thông tin, không công bố thật. Giống như người bị bệnh nan y không dám nói thật ra bên ngoài là tôi bị bệnh nặng, giấu bệnh, giấu triệu chứng và không tìm đến bác sĩ chữa trị.

Ngân hàng yếu kém, doanh nghiệp thương hiệu lớn lâm phá sản có thể tiến hành thuê hãng tư vấn M&A nhà nghề. Hãng tư vấn M&A nhà nghề sẽ ra các phác đồ điều trị tức là tái cơ cấu.

Một phương án xử lý êm thấm, hợp tình hợp lý là lập 1 ban kêu gọi các Mạnh Thường Quân (sponsor). Ban này do một tổ chức kinh tế mạnh và uy tín đứng đầu, sẽ kêu gọi thông qua các hiệp hội doanh nghiệp xem có doanh nghiệp nào hứng thú với việc giải cứu doanh nghiệp đồng nghiệp bị thua lỗ hay không. Thông thường thì thông qua các hiệp hội, việc giải cứu sẽ là khả thi vì doanh nhân luôn có 1 tinh thần là Mạnh Thường Quân, cứu nguy cho đối tác của mình. 

Việc giải cứu thông qua các doanh nhân, doanh nghiệp khác thường là hình thức bơm vốn để mua lại cổ phần, sau đó tái cơ cấu doanh nghiệp bị thua lỗ đó. Gần đây, có thông tin về thương vụ doanh nhân Mai Hữu Tín mua lại cổ phần của Công ty Gỗ Trường Thành là một thương vụ có tính chất như vậy.

Tham khảo các trường hợp mua lại chuỗi siêu thị Metro, chuỗi siêu thị Big C của người Thái và gần đây ANZ Việt Nam rao bán mảng kinh doanh tại Việt Nam, ta có thể thấy rằng nhà đầu tư mới tiến hành thâu tóm các doanh nghiệp này, ngoài việc cân đếm tài sản hữu hình, hàng tồn kho… thì họ luôn định giá phần giá trị vô hình là chuỗi kinh doanh của siêu thị hoặc của ngân hàng đó đã được xác lập, đã hiện diện tại Việt Nam trong thời gian là bao lâu. 

Chẳng hạn, với ANZ Việt Nam, việc có bao nhiêu chi nhánh là một tài sản và trong kinh doanh hiện đại, việc thiết lập chuỗi kinh doanh luôn được định giá và đánh giá là một tài sản lớn của doanh nghiệp.

Các Mạnh Thường Quân vào mua lại doanh nghiệp thua lỗ sẽ khai thác thương hiệu cũng như chuỗi kinh doanh của đơn vị thua lỗ. Với một bản kế hoạch kinh doanh tốt, nhân sự lãnh đạo có năng lực và nguồn tài chính giải cứu kịp thời, ngân hàng yếu kém cũng như doanh nghiệp thua lỗ mà có thương hiệu lớn sẽ được phục hồi trong thời gian không lâu".

Tin mới lên