Diễn đàn VNF

'Không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào tích tụ, tập trung đất đai'

(VNF) - VietnamFinance giới thiệu góc nhìn của PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội nghị của Chính phủ về tích tụ đất đai mới đây.

'Không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào tích tụ, tập trung đất đai'

"Không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào tích tụ, tập trung đất đai trong giải quyết vấn đề phát triển nông nghiệp hiệu quả, tăng thu nhập cho quảng đại nông dân và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Bởi vì tình trạng nông nghiệp kém hiệu quả hiện nay ở nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó tích tụ, tập trung đất đai không phải nguyên nhân chủ chốt.

Nguyên nhân chính của tình trạng kém hiệu quả hiện nay là nông nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu ở các khâu có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng đất đai, lao động, thiếu sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến nông sản, thiếu thương hiệu có uy tín, sử dụng vật tư, phân bón, giống kém chất lượng dẫn đến chất lượng nông sản xuất khẩu thấp, thiếu năng lực cạnh tranh trên thị trường nông sản quốc tế, quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp yếu kém dẫn đến tình trạng tàn phá tài nguyên, sản xuất không theo quy hoạch ...

Vì vậy, để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, cần các giải pháp toàn diện, trong đó có giải pháp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

Để tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, nên sử dụng đa dạng các mô hình. Thứ nhất, mô hình tập trung mà không thay đổi chủ đất của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã thực hành thành công ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản nên được ưu tiên khuyến khích phát triển.

Bởi vì hình thức tập trung này hiện rất phù hợp với tâm lý và điều kiện đất đai hạn chế và khả năng rút lao động ra khỏi nông nghiệp chậm như ở nước ta hiện nay. Tập trung dưới dạng các hộ hợp tác cùng sản xuất chung một loại sản phẩm đồng nhất về giống, kỹ thuật, vật tư, dịch vụ cày bừa, thu hoạch, tiêu thụ qua hợp tác xã sẽ có được tính hiệu quả theo quy mô, đồng thời vẫn giữ được các lợi thế của canh tác gia đình. Mô hình này cũng không gây xáo trộn quá lớn ở nông thôn.

Tuy nhiên vấn đề là phải phát triển được các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ hiệu quả. Giải pháp ở đây là tuyên truyền, vận động nông dân, đi đôi với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các ngân hàng và doanh nghiệp để cung cấp cho hợp tác xã các điều kiện hoạt động hiệu quả, qua đó thuyết phục nông dân, đặc biệt là hỗ trợ cán bộ có tài quản trị hợp tác xã dịch vụ và có tâm huyết bảo vệ lợi ích của nông dân.

Hợp tác xã dịch vụ cũng phải được hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mở rộng hoạt động theo chuỗi giá trị nông sản, nhất là trong các khâu đảm bảo vật tư, giống có chất lượng, xây dựng các cơ sở chế biến, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Có thể học kinh nghiệm của hợp tác xã Nhật Bản và Liên minh hợp tác xã Hàn Quốc.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất của dân để kinh doanh ở quy mô hiệu quả. Tránh thu hút doanh nghiệp bằng cái giá là hy sinh lợi ích của nông dân. Bởi trong nông nghiệp, kinh doanh lớn của doanh nghiệp, nếu không tham gia vào chuỗi giá trị có hiệu quả và ở các khâu có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp nông nghiệp dễ phá sản hơn nông dân. Doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh quy mô lớn bị phá sản gây hậu họa cho ngành nông nghiệp và đất nước lớn hơn rất nhiều các hộ nông dân làm ăn kém hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng thuê đất khó khăn, nên khuyến khích các nhóm hộ nông dân (hợp tác, tổ hợp tác, nhóm hộ cùng nhau ký hợp đồng với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm chung…). Một khi doanh nghiệp đem lại lợi ích lớn hơn cho nông dân, không cần vận động, họ cũng sẽ cho thuê hoặc bán quyền sử dụng đất của họ.

Đặc biệt khuyến khích nông hộ làm ăn hiệu quả được thuê đất và mua đất. Thậm chí, trong một số trường hợp đặc biệt, có thể thử nghiệm những ngoại lệ về hạn điền để tìm giới hạn hiệu quả mới của hạn điền. Tuy nhiên, tập trung đất chỉ là điều kiện của sản xuất hiệu quả. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất, nếu không làm chủ và có năng lực cạnh tranh ở thị trường nông sản, trang trại lớn sẽ dẫn đến chi phí cao, khả năng kiểm soát kém, tranh chấp đất đai…

Tích tụ tập trung đất đai phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xuất sứ sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng nông sản…

Phải thực hiện toàn diện các giải pháp thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển mới. Dù ở trình độ phát triển nào, lập trường xã hội chủ nghĩa trong phát triển nông nghiệp vẫn là bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân, giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước trong lòng người dân ở nông thôn".

Tin mới lên