10% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục đất đai

Anh Hùng - 15/04/2021 16:04 (GMT+7)

(VNF) - Theo báo cáo PCI 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện thủ tục đất đai đã giảm từ mức cao gần 23% năm 2016 xuống 10% trong năm 2020.

VNF
10% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục đất đai

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhờ các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Số liệu từ điều tra PCI-FDI 2020 một lần nữa khẳng định tính vững chắc của các thành quả này trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đồng ý với nhận định “cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ quy định chỉ để đòi hỏi chi phí không chính thức từ doanh nghiệp” tăng lên mức đỉnh gần 60% vào thời điểm 2014-2015 rồi giảm dần trong những năm sau đó. Năm 2020, con số này ở mức xấp xỉ 35%, nhỉnh hơn một chút so với năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện thủ tục đất đai cũng giảm từ mức cao gần 23% năm 2016 xuống 10% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, năm 2020, chỉ 17% doanh nghiệp FDI có nhận định tình trạng “chạy án” cản trở việc họ đưa tranh chấp ra tòa án, so với mức đỉnh gần 24% năm 2015. Qua thời gian, chi phí không chính thức có dấu hiệu giảm dần. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành từ 10% doanh thu trở lên để chi trả các khoản chi không chính thức giảm từ mức hơn 2% năm 2016-2017 xuống 1,2% năm 2020.

Một dấu hiệu khả quan nữa là gánh nặng thanh kiểm tra cũng giảm dần. Xu hướng sụt giảm ghi nhận được là rõ ràng, ổn định và có ý nghĩa về mặt thống kê, từ mức trung bình 2,85 cuộc/doanh nghiệp năm 2016 xuống còn 2,1 cuộc/doanh nghiệp năm 2020.

Đáng chú ý, theo báo cáo PCI, lần đầu tiên kể từ khi thực hiện PCI-FDI, số cuộc thanh tra, kiểm tra trung vị đã giảm xuống còn 1 cuộc, so với mức không đổi qua tất cả các năm là 2 cuộc.

Số liệu trong báo cáo PCI cũng xác nhận xu hướng các doanh nghiệp FDI không phải mất nhiều thời gian như trước cho việc tuân thủ các thủ tục, quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết đã phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm mạnh từ 41% năm 2019 xuống 33% năm 2020, cho thấy sự cải thiện rõ rệt và thực chất so với mức đỉnh năm 2012 và 2016.

Để phân tích chi tiết hơn, điều tra PCI-FDI yêu cầu doanh nghiệp nêu rõ các cơ quan đã thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp họ trong năm qua. Theo đó, an toàn phòng chống cháy nổ là lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhất (44%). Kế tiếp là thuế và kiểm toán, với tỷ lệ tương ứng 29% và 22%. Các lĩnh vực còn lại có gánh nặng thanh kiểm tra tương đối thường xuyên lần lượt là hải quan (16%), thanh tra môi trường (14%) và thanh tra lao động (13%).

Về gánh nặng thực thi đối với doanh nghiệp FDI qua thời gian, nhìn chung có xu hướng giảm. Ngay cả trong các lĩnh vực được quản lý chặt như an toàn phòng chống cháy nổ và thuế cũng xuất hiện xu hướng giảm rõ rệt về gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Năm 2015, quá nửa số doanh nghiệp FDI (56%) tham gia điều tra PCI cho biết đã bị thanh tra, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ. Năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống 44%. Thanh, kiểm tra thuế cũng giảm mạnh, từ 40% năm 2016 xuống 29% năm 2020.

Ngoài ra, trong báo cáo PCI, VCCI còn chỉ ra sự cải thiện rõ nét trong lĩnh vực môi trường. Năm 2020, chỉ có 14% doanh nghiệp FDI cho biết đã tiếp đón thanh tra môi trường, lĩnh vực từng bị coi là có gánh nặng thanh, kiểm tra lớn nhất (35% năm 2016). Trong khi đó, một số lĩnh vực như kiểm toán và hải quan không ghi nhận cải thiện nào đáng kể thời gian qua.

Cùng chuyên mục
Tin khác