Tiêu điểm

5 năm, nhìn lại 'biến cố tháng 5' ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh

(VNF) – Tháng 5/2014, một làn sóng tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông đã diễn ra rầm rộ ở một loạt tỉnh, thành trên cả nước, trong đó nổi bật nhất là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh.

5 năm, nhìn lại 'biến cố tháng 5' ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh

Một khu nhà xưởng bị đốt cháy trong biến cố tháng 5 ở Vũng Áng. Ảnh tư liệu

Tháng 5 nóng bỏng

Căn nguyên của vụ tuần hành trên xuất phát từ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 (tức giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981) vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 2/5/2014.

Hai ngày sau động thái của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng về vụ việc trên. Kể từ đây, giàn khoan HD-981 đã trở thành “tâm điểm của mọi tâm điểm” trong dư luận xã hội bấy giờ.

Làn sóng phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã diễn biến hết sức mau lẹ và bất ngờ trong những ngày sau đó. Từ những vụ tụ tập đông người phản đối Trung Quốc với quy mô vài chục người, những cuộc tuần hành với quy mô hàng trăm, hàng nghìn người đã nổ ra.

Xe ô tô bị đập kính trong công trường dự án Formosa. Ảnh tư liệu

Ngày 13/5/2014, gần 2 vạn công nhân đã tham gia diễu hành phản đối Trung Quốc tại Bình Dương. Lúc đầu, cuộc diễu hành diễn ra ôn hòa tuy nhiên sau đó nhiều người đã kích động đám đông, tấn công vào các công ty, đập phá tài sản.

Đa số doanh nghiệp bị tấn công là các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Theo thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, đã có tổng cộng 480 doanh nghiệp tại Bình Dương bị thiệt hại trong vụ tuần hành – bạo động này.

Tại Đồng Nai, ngày 14/5/2014, hàng trăm công nhân cũng đã xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc. Bạo động xảy ra tại khu công nghiệp Long Thành khi có nhiều đối tượng quá khích, ném đá làm vỡ kính, xô đổ cổng doanh nghiệp và đập phá máy tính của Công ty Perfect Vision đóng tại đây.

Tại Hà Tĩnh, cũng trong ngày 14/5/2014, hàng nghìn người đã tụ tập tại khu công nghiệp Vũng Áng – nơi đặt nhà máy gang thép Formosa, hô vang khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”... Tuy nhiên, hỗn loạn đã xảy ra khi đám đông quá khích chuyển sang đập phá, đốt hai lò cao trong nhà máy luyện gang thép và hành hung công nhân Trung Quốc.

Ngay sau khi các vụ việc trên xảy ra, lực lượng công an đã nhanh chóng bắt giữ các thành phần quá khích, kích động bạo lực. Theo thống kê, tại Bình Dương, công an đã bắt giữ 800 người. Con số này ở Đồng Nai là khoảng 100 người và ở Hà Tĩnh là hơn 70 người.

Sau khi bắt giữ các đối tượng trên, an ninh trật tự tại các địa phương đã được xác lập trở lại.

Nỗ lực giữ bình an cho môi trường đầu tư

Hơn hai năm sau ngày xảy ra các vụ tuần hành – bạo động, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho hơn 470 doanh nghiệp tại Bình Dương.

Việc bồi thường bảo hiểm được mô tả là "đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam".

Tuy nhiên, việc phải chi một khoản tiền khổng lồ để bồi thường cũng cho thấy cái giá phải trả cho sự quá khích trong hành động là rất đắt và việc khôi phục lại niềm tin cho môi trường đầu tư không chỉ đơn giản là chuyện tiền bạc.

Hiện tại, sau 5 năm kể từ biến cố trên, các doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã hoạt động ổn định trở lại, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm và đóng thuế cho nhà nước. Nhưng cũng có những kế hoạch đầu tư đã không được triển khai hoặc triển khai chậm hơn so với kế hoạch.

Một văn phòng bị đập phá trong biến cố tháng 5/2014. Ảnh tư liệu

Một trong những doanh nghiệp thiệt hại nặng nhất trong biến cố tháng 5/2014 là tổ hợp Formosa. Sau khi bị đập phá trong năm 2014 dẫn tới thiệt hại mà theo doanh nghiệp này báo cáo là lên tới hàng ngàn tỷ đồng, Formosa còn trải qua một thử thách khác là sự cố môi trường biển năm 2016.

Tuy nhiên hiện nay, sau 5 năm kể từ ngày, khu liên hợp gang thép này đã vận hành lò cao số 2, đưa sản lượng thép tăng vọt, nâng doanh thu năm 2018 lên tới 2,5 tỷ USD và nộp ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong quý I/2019, Formosa đã nộp ngân sách hơn 2.028 tỷ đồng, chiếm 98,7% tổng nguồn thu của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng.

Báo cáo tổng kết năm 2018 của Chính phủ cũng ghi nhận, thành tựu tăng trưởng có được một phần là nhờ vào khối doanh nghiệp FDI, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Samsung, Formosa.

Nhìn lại biến cố tháng 5/2014 để thấy, giữ được bình an cho quốc gia nói chung, cho môi trường đầu tư kinh doanh là hết sức quan trọng để phát triển kinh tế.

Tin mới lên