'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Quý I/2019, nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết chứng kiến sự suy giảm khá lớn về doanh thu và lợi nhuận. Dữ liệu FiinPro tổng hợp từ kết quả kinh doanh của 81 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, doanh thu của nhóm này tăng trưởng âm 10,9%, lợi nhuận ròng tăng trưởng âm 3,2%, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) tăng trưởng âm 42,5%.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến kết quả có phần kém khả quan này. Thứ nhất là chính sách siết tín dụng bất động sản. Thứ hai là các chính sách liên quan như giá thuê đất. Thứ ba là nguyên nhân liên quan đến chu kỳ ngành bất sản. Bên cạnh đó, sự suy giảm về doanh thu và lợi nhuận của "ông lớn" Vinhomes cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn.
Tăng trưởng doanh thu (Sale Growth), tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) và tăng trưởng lợi nhuận ròng (Net Profit Growth) của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Nguồn: FiinPro tính toán từ dữ liệu của 81 doanh nghiệp bất động sản niêm yết
Xét riêng về lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), theo dữ liệu của FiinPro, tăng trưởng của nhóm bất động sản niêm yết giảm tới 28,3%.
"Nếu đà này tiếp tục, chắc chắn xuất hiện nợ xấu trong ngành bất động sản, không chỉ ảnh hưởng đến chứng khoán mà các ngân hàng cũng sẽ rất phải cẩn trọng", Tổng giám đốc FiinGroup cảnh báo.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Nguồn: FiinPro tính toán từ dữ liệu của 81 doanh nghiệp bất động sản niêm yết
Nói thêm về vấn đề siết tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Quang Thuân dẫn số liệu: dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản hiện chiếm 11,05% tổng dư nợ, trong khi dư nợ tín dụng tiêu dùng cho mục đích mua và sửa chữa nhà ở chiếm 12,04% tổng dư nợ. Đồng nghĩa tổng dư nợ tín dụng bất động sản hiện lên đến trên 23% tổng dư nợ tín dụng, tương đương khoảng trên 66 tỷ USD.
Về tốc độ tăng trưởng, theo dữ liệu từ FiinGroup, trong năm 2018, dư nợ tín dụng đối với khách mua nhà (Home Buyers) đã tăng 35%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với chủ đầu tư (Developers) đã tăng gấp đôi.
Việc tăng trưởng nóng ở phân khúc tín dụng bất động sản, theo ông Thuân, đã khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại, nhất là đối với các khoản cho khách mua nhà vay. Sự lo ngại này là nguyên nhân quan trọng khiến Ngân hàng Nhà nước đề xuất áp dụng hệ số rủi ro 150% cho khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên mà thực chất là "đánh" vào các khoản cho vay cá nhân mua nhà phân khúc đắt tiền (từ 3 tỷ đồng trở lên).
Chia sẻ góc nhìn cá nhân, ông Đào Phúc Tường, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS (Singapore) cho hay, khi nhìn vào thị trường bất động sản, ông thường nhìn vào 3 yếu tố: nguồn cung bất động sản, cầu bất động sản và vốn cho bất động sản.
"Nhìn vào nguồn cung bất động sản, chúng ta đều biết rằng cung bất động sản đã giảm tốc từ quý II/2018 đến tận bây giờ. Chu kỳ của một doanh nghiệp bất động sản để ra một dự án mới khoảng 2 – 3 năm và việc giảm cung trong thời gian vừa rồi là do tính pháp lý của các dự án bất động sản không được rõ ràng", ông Tường cho biết.
Cho nên chu kỳ mới tới đây, theo ông Tường, nếu giải quyết được vấn đề pháp lý thì cung bất động sản sẽ ra nhanh hơn vì rất nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án đã được chuẩn bị rồi.
"Tôi chưa nhìn thấy tín hiệu các nguồn cung có thể tăng lại một cách mạnh mẽ trong thời gian 18 tháng tới, trừ các dự án của Vingroup", vị chuyên gia đầu tư nêu quan điểm.
Về nguồn cầu bất động sản, ông Đào Phúc Tường chia sẻ: "Có hai nhóm mà tôi theo dõi. Thứ nhất là cầu nước ngoài. Năm 2017 và năm 2018, cầu đầu tư nước ngoài vào bất động sản cực lớn, nhất là nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng cầu nhà đầu tư nước ngoài cũng rất ngắn hạn chứ không phải dài hạn".
"Cầu nước ngoài đấy sẽ kéo dài được bao lâu?", ông đặt câu hỏi, đồng thời dẫn số liệu CBRE để thấy nguồn cầu lớn nhất là Trung Quốc, sau đó đến Hàn Quốc.
"Về nguồn cầu Trung Quốc thì chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt chuyện chuyển tiền ra nước ngoài. Trung Quốc năm 2017, 2018, cầu vào Việt Nam đa phần qua đường Đài Loan và Hồng Kông, là những người có sẵn tiền ở đó rồi và chảy vào Việt Nam. Nguồn đó còn nhiều hay không là một dấu hỏi rất lớn", nhà quản lý quỹ này nói.
Thứ hai là cầu trong nước, theo ông Tường, đa phần là cầu đầu cơ, cầu đầu tư thật để ở, kể cả phân khúc cấp thấp cũng không có quá nhiều.
"Đã liên quan đến cầu đầu cơ thì liên quan đến nguồn vốn bất động sản còn nhiều hay không? Phỏng đoán của tôi với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện tại thì nguồn vốn sẽ không còn dồi dào. Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, kiên định với việc giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, kiểm soát các dòng vốn tín dụng vào nhóm cầu bất động sản mang tính chất đầu cơ thì nguồn vốn tín dụng cho bất động sản sẽ không còn nhiều", ông Tường phân tích.
"Tóm lại, theo ý kiến cá nhân của tôi thì thanh khoản thị trường bất động sản trong thời gian tới không còn tốt nữa. Cảm nhận của tôi là thị trường bất động sản đã đi vào vùng đỉnh của một chu kỳ bất động sản rồi. Từ đỉnh đi xuống như thế nào thì phụ thuộc hoàn toàn vào Ngân hàng Nhà nước và sự điều tiết chung của thị trường.
Nhưng tôi theo dõi giữa chu kỳ trước và chu kỳ này, nếu người ta để cho thị trường bất động sản trượt khỏi vùng đỉnh thì cú trượt này sẽ nhanh và sâu hơn cú trượt trước rất nhiều. Lý do là chu kỳ trước đa phần người vay nợ bất động sản là các công ty bất động sản, cho nên nếu các công ty bất động sản mà không trả được nợ thì những dự án đấy sẽ tắc nhưng nó không cảnh hưởng nhiều đến giá bất động sản trên thị trường.
Nếu các bạn để ý, một loạt các dự án “chết”, các thủ tục để siết nợ doanh nghiệp phức tạp hơn rất nhiều so với việc ngân hàng đi siết nợ cá nhân vay tiền để mua bất động sản. Cá nhân chính là một chủ thể của chu kỳ bất động sản hiện tại", ông Tường nêu góc nhìn.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.