7 ngày liên tiếp Nga ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống Yamal

Thanh Tú - 27/12/2021 21:24 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom tiếp tục không đăng ký vận chuyển khí đốt xuất khẩu qua đường ống Yamal-châu Âu trong ngày 27/12, tức 7 ngày liên tiếp không vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống này.

VNF
Ảnh minh họa.

Số liệu của nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade (Đức) cho hay đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu, vốn thường dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, đã hoạt động theo chế độ ngược lại trong 7 ngày trở lại đây, cụ thể là vận chuyển nhiên liệu từ Đức sang Ba Lan.

Gascade thuộc sở hữu của WIGA, một liên doanh giữa Gazprom và công ty dầu khí Wintershall DEA. Công ty Wintershall DEA do tập đoàn hóa chất BASF của Đức và tập đoàn LetterOne của Nga đồng sở hữu. Gascade mua khí đốt Nga và cung cấp trong phạm vi nước Đức.

Theo dữ liệu của Gascade, sáng 27/12, dòng chảy tại điểm đo Mallnow trên biên giới Đức-Ba Lan đang đi về phía Đông vào Ba Lan với khối lượng hơn 1,1-1,2triệu kWh/giờ.

Trong khi đó, kết quả đấu thầu cho thấy nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga không đăng ký vận chuyển khí đốt cho xuất khẩu qua đường ống Yamal-châu Âu trong ngày 27/12.

Việc Nga dừng hoàn toàn việc cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tại Nga và châu Âu đều tăng cao giữa tháng cao điểm mùa đông.

Mới đây, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc ngừng cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu là "hoàn toàn mang tính chất thương mại” chứ không hề mang động cơ chính trị và không liên quan gì đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 giải thích sự thay đổi này là do thiếu nhu cầu từ người mua.

Trước những cáo buộc gần đây của các nước châu Âu, đại diện của tập đoàn Gazprom khẳng định việc tập đoàn dầu khí quốc gia Nga không cung cấp đủ khí đốt tự nhiên cho châu Âu là hoàn toàn vô căn cứ.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào năm 2021 cực kỳ biến động, đặc biệt là do sự không chắc chắn về khối lượng và tính thường xuyên của nguồn cung từ Nga.

Nga có khả năng sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn đáng kể so với sản lượng hiện nay, nhưng theo Tổng thống Vladimir Putin, nước này chưa sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng sản xuất và nâng công suất cho đến khi các bên mua của EU sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn hơn.

Xem thêm >> Thực hư việc Nga bị đòi bồi thường 328 tỷ USD vì ‘phân biệt đối xử’ với hàng châu Âu?

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác